"Bẻ kèo" khi thực hiện mô hình Cánh đồng lớn – tigifood
Giỏ hàng

"Bẻ kèo" khi thực hiện mô hình Cánh đồng lớn

Vụ lúa đông xuân 2015 - 2016 đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ, một lần nữa chứng kiến những bất cập trong việc triển khai thực hiện mô hình Cánh đồng lớn (CĐL). Tình trạng nông dân “bẻ kèo” doanh nghiệp, thương lái và “cò lúa” nhảy vào “phá hỏng” mô hình vẫn cứ xảy ra.

“BẺ KÈO” VẪN XẢY RA

Chỉ mới bắt đầu vào thu hoạch vụ lúa đông xuân, đã có một số trường hợp bà con nông dân “bẻ kèo”, không tuân thủ hợp đồng bán lúa cho Công ty Lương thực Tiền Giang (Tigifood) mà bán lúa ra bên ngoài như trường hợp của Hợp tác xã (HTX) Mỹ Quới, xã Hậu Mỹ Bắc B (huyện Cái Bè).

Theo ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Tigifood, hơn 60% diện tích vi phạm hợp đồng, đã nhận tiền cọc của hàng xáo, bán lúa trước ra bên ngoài. Nguyên nhân là do một số bà con yêu cầu Công ty cho thu hoạch sớm, khi lúa còn xanh, không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo hợp đồng về ẩm độ và tỷ lệ xanh non; trong khi đó, hàng xáo tranh thủ đặt cọc với giá cao hơn khoảng 50 đồng/kg, nhưng lại lùi thời điểm thu hoạch trễ hơn 7 - 10 ngày, bà con thấy lợi trước mắt đã vội vã nhận tiền cọc bán ra bên ngoài (nếu tính kỹ, bà con vẫn chịu thiệt vì những tổn thất khi thu hoạch quá trễ).

Ngoài ra, một số ít hộ nông dân tại xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè), mặc dù chưa tới thời điểm thu hoạch, nhưng không tuân thủ hợp đồng, vội vã nhận tiền cọc của hàng xáo để bán ra bên ngoài trước khi công ty tổ chức thu mua.

Ông Lê Thanh Khiêm (thứ 2 từ trái sang) kiểm tra chất lượng lúa trong vụ đông xuân 2015 - 2016 tại xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè).
Ông Lê Thanh Khiêm (thứ 2 từ trái sang) kiểm tra chất lượng lúa trong vụ đông xuân 2015 - 2016 tại xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè).

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, một trong những đơn vị triển khai thực hiện mô hình CĐL nhiều năm qua cho biết thêm: Trong quá trình triển khai, chúng tôi luôn bị thương lái và “cò” lúa nhảy vào “phá đám”.

Cụ thể, vụ đông xuân năm nay chúng tôi xây dựng CĐL ở xã Phú Cường (huyện Cai Lậy) với diện tích 180 ha nhưng đến ngày thu hoạch thì bị “cò” lúa và thương lái mua hết 70 ha. Thực trạng này đã tồn tại trong những năm qua nhưng chưa có cách giải quyết cụ thể.

Theo các công ty, nguyên nhân dẫn đến các vụ việc “bẻ kèo” là do phương thức sản xuất nhỏ lẻ, tự phát; việc xác định giá lúa thị trường đôi lúc còn bất cập, xảy ra tranh chấp; công tác quản lý địa bàn còn nhiều khó khăn dẫn đến tình trạng phá vỡ cam kết hợp đồng.

Cụ thể, “cò lúa” tại địa phương kết nối với hàng xáo bên ngoài cạnh tranh không lành mạnh như lựa chọn một số diện tích lúa chất lượng thật tốt nâng giá lên để thu mua, tạo mặt bằng giá thị trường “ảo”, sau đó bỏ đi để công ty mua lúa chất lượng thấp với áp lực phải mua giá cao bằng với hàng xáo…

TRIỂN KHAI RẦM RỘ

Vụ đông xuân 2015 - 2016, Tigifood đã triển khai mô hình CĐL với 2.566 ha (tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước), với 3.100 hộ tham gia, thuộc 16 xã, tại 8 huyện, thị trong toàn tỉnh. Nhiều nhất là huyện Cái Bè với 865 ha, huyện Cai Lậy 455 ha, huyện Châu Thành 302 ha…

Công ty cũng chuẩn bị 5 kho trực thuộc để thu mua là kho Mỹ Lợi B, Hậu Mỹ Trinh (khu vực Cái Bè), Trung tâm Nông sản Phú Cường, kho Mỹ Phước Tây (huyện Cai Lậy), kho Mỹ Phước (huyện Tân Phước) kết hợp cùng các HTX, tổ sản xuất và các đối tác vận chuyển, thu gom trên địa bàn…

Theo ông Lê Thanh Khiêm, tính đến hết ngày 22-2, công ty đã mua được trên 760 tấn lúa tươi, với diện tích 100 ha tại các xã Hậu Mỹ Bắc B, Mỹ Lợi B, Hậu Mỹ Trinh… (huyện Cái Bè).

Ông Lê Thanh Khiêm cho biết, vụ đông xuân năm nay Tigifood đã phối hợp với 3 doanh nghiệp khác là Tập đoàn Lộc Trời, Công ty cổ phần Khử trùng Việt Nam VFC và Công ty Hóa Nông Hợp Trí đầu tư ứng trước vật tư đầu vào cho nông dân, với tổng giá trị đầu tư ứng trước 18,81 tỷ đồng, không tính lãi trong 4 tháng kể từ ngày xuống giống.

Ngoài ra, nhằm góp phần định hướng sản xuất lúa gạo “sạch” - kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vụ đông xuân năm nay, lần đầu tiên Tigifood đã liên kết cùng các địa phương thí điểm mô hình xây dựng vùng lúa nguyên liệu an toàn - có kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, với quy mô hơn 600 ha.

Thực hiện mô hình này, có thể nói Tigifood đã chủ động thích ứng với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là các Hiệp định vừa được ký kết như TPP và các FTA như: Việt Nam - EU, Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Úc, NewLeland, Việt Nam - Nga...

Để tiến hành thu mua đúng kế hoạch, công ty đã chuẩn bị đầy đủ nguồn vốn, nhân lực… từ trước Tết Nguyên đán.

Việc thu mua được thực hiện theo hợp đồng đã ký với HTX, tổ sản xuất. Giá thu mua đưa ra được các HTX, tổ hợp tác và nông dân đều đồng ý. Trong thời gian thu hoạch, giá thị trường có biến động thì công ty sẽ điều chỉnh kịp thời.

Năm nay giá lúa Jasmine 85 giảm, một số thời điểm giá thị trường xuống khá thấp, nhưng công ty vẫn giữ cam kết theo hợp đồng, mua theo giá bảo hiểm (vẫn đảm bảo được lợi nhuận tối thiểu và cao hơn giá thị trường 50 - 100 đồng/kg).

Ông Lê Thanh Khiêm cho biết, để hỗ trợ, khuyến khích nông dân phơi, sấy lúa, công ty mua lúa khô Jasmine 85 cao hơn 1.450 đồng/kg so với lúa tươi và lúa khô IR 50404 cao hơn 1.200 đồng/kg so với lúa tươi.

Ngoài ra, công ty còn liên kết với HTX Mỹ Trinh sấy gia công 1.000 tấn lúa khô để vừa giảm bớt áp lực mua lúa tươi, vừa tăng thêm thu nhập cho xã viên.

Đối với Công ty TNHH Việt Hưng, mô hình CĐL đã xây dựng được trên 3 năm. Diện tích thực hiện ngày càng được mở rộng, số lượng người tham gia ngày một đông.

Ông Nguyễn Văn Đôn cho biết: “Vụ đông xuân 2015 - 2016, chúng tôi triển khai thực hiện được 650 ha ở xã Mỹ Trung (huyện Cái Bè), xã Phú Cường và xã Phú Nhuận (huyện Cai Lậy). Đến thời điểm này, công ty đã thu mua gần ½ diện tích, với giá cao hơn thị trường từ 50 - 100 đồng/kg”.

Để giải quyết bài toán “bẻ kèo”, các doanh nghiệp đề xuất phải thay đổi vấn đề nhận thức của một bộ phận không nhỏ về mô hình CĐL; cần phải chuyển đổi mô hình theo các phương thức sản xuất lớn, tập trung; sớm khắc phục những yếu tố có liên quan trực tiếp như:

Củng cố, xây dựng các HTX, tổ hợp tác; chính quyền địa phương cấp xã nên làm đầu mối, gắn kết mô hình với chương trình xây dựng nông thôn mới; Nhà nước có chính sách đầu tư, hỗ trợ nâng cấp toàn diện hệ thống hạ tầng phục vụ thu mua lúa; doanh nghiệp tham gia tiếp tục công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời trong việc xác định giá mua theo thị trường.

SĨ NGUYÊN/BAOAPBAC.VN