Bắc một nhịp cầu cho gạo đồng bằng – tigifood
Giỏ hàng

Bắc một nhịp cầu cho gạo đồng bằng

Ông Phạm Minh Thiện, CEO Cỏ May Group, đang tìm đường đưa gạo sang chợ ở Mỹ sau khi “mở đường hầm” sang Singapore.

Việt Nam cần một chuỗi nối kết liền mạch cho gạo.

“Từ Toronto tới New York, tôi học được bài học đầu tiên là chọn lựa phân khúc và định vị thương hiệu. Nếu không quan tâm tới yếu tố này thì càng bán càng rối”, ông Thiện nói sau chuyến khảo sát trên đất Mỹ mới đây.

Sang Mỹ lần này ông Thiện tìm đối tác chiến lược để phân phối gạo ổn định và lâu dài. “Tại mỗi bang hoặc vùng chỉ cần một đối tác, vì sản lượng sản xuất của mình không nhiều lắm. Và cũng không phân phối đại trà để bảo đảm quyền lợi của đối tác. Nhờ bà con Việt kiều giới thiệu giúp, chúng tôi giới thiệu những loại gạo do Cỏ May sản xuất, cùng những sản phẩm như nấm rơm sấy khô, tinh dầu tinh luyện… Tất cả đều có tính pháp lý đầy đủ.Có rất nhiều bất ngờ trong chuyến đi này”, ông Thiện cho biết.

Cũng như EU, Nhật, Mỹ được xem là thị trường khó tính. Những gia đình người Việt mang gạo ST 24 từ Việt Nam sang nói rằng hầu hết người dùng đều khen chất lượng hơn hẳn gạo Thái bán trong siêu thị, nhưng không tìm thấy để mua. Tương tự, tại Pháp, nhiều Việt kiều mong sao có chợ Việt để mua gạo và hàng hoá từ quê nhà. Từ năm 2013, Việt Nam chỉ chiếm khoảng 3% thị phần gạo EU, trong khi Thái Lan chiếm 18%, Campuchia chiếm 22%, và Ấn Độ chiếm 24%. Trước “thế trận” trên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu chuyển hướng sang gạo thơm, ngon, chuẩn mực để mong xuất sang thị trường này. Theo thoả thuận EVFTA, Việt Nam sẽ có hạn ngạch xuất khẩu 80.000 tấn gạo hàng năm với mức thuế 0%, thay vì 20.000 tấn với mức thuế rất cao như trước đây.

“Đột phá công nghệ, nâng cao chất lượng, tăng hiệu quả trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo” là chủ đề hội thảo ngày 19/9 tại Cần Thơ. Tại đây, ông Đỗ Hà Nam, phó chủ tịch hiệp hội Lương thực Việt Nam, nói: để ngành gạo Việt Nam phát triển ổn định, chúng ta phải chọn những sản phẩm nào có giá trị cao, được nhiều thị trường chấp nhận để phát triển…”. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn quá ít công nghệ được ứng dụng để chinh phục bàn ăn từ cơm gạo. Theo TS Phạm Văn Tấn, phó giám đốc phân viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, rất cần công nghệ xay một giai đoạn, xát tăng tỷ lệ gạo nguyên, máy phân loại và tách màu… cho các loại gạo thơm, gạo đặc sản để phục vụ các thị trường khó tính.

Ông Nguyễn Thể Hà, chuyên gia tư vấn kinh tế – kỹ thuật công ty Bùi Văn Ngọ, đề nghị cần tổ chức lại ngành cơ khí đồng bằng sông Cửu Long, để cơ giới hoá trở thành hạt nhân của ngành nông nghiệp trên từng địa bàn. Theo đó, cần xây dựng công ty lắp ráp máy nông nghiệp từ chi tiết máy do cơ khí trong nước liên kết sản xuất. Ưu tiên đầu tư cho cơ khí nông nghiệp, miễn thuế thu nhập cho ngành cơ khí chế tạo máy phục vụ cơ giới hoá nông nghiệp. Hỗ trợ đào tạo nghề phục vụ cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp ở trường đại học, trung cấp dạy nghề, gắn các xí nghiệp cơ khí nông nghiệp với hoạt động đào tạo thực hành…

Ông Joachim Sontag, Giám đốc Công ty Sontag Consult, kiêm Giám đốc đại diện Studio Tecnico Appiani (STA) tại Đông Nam Á: Tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng từ hạt gạo

Ông Joachim Sontag.

Khả năng nâng cao giá trị cho hạt gạo Việt Nam là có, nhưng nhiều doanh nghiệp chưa dám thay đổi.Nếu đã xác định thị trường cao cấp thì ngay bây giờ, Việt Nam phải hành động ngay. Đó là đầu tư vào công nghệ tạo ra những sản phẩm giá tăng để thị trường ưa chuộng. Các công ty Thái Lan họ sẵn sàng đổ hàng triệu đô la đầu tư công nghệ làm “gạo ăn liền”, gạo đóng hộp, bán 33.000 đồng/kg. Tại sao Việt Nam không nghĩ tới việc làm ra hạt gạo đã chín một phần, làm ra hạt gạo mà người tiêu dùng chỉ cần 2 phút là ăn được, hay gạo tẩm ướp hương liệu tốt cho sức khoẻ như nghệ, cà chua, nấm… Ngoài ra, ngày nay đang diễn ra xu hướng thay đổi cách chi tiêu ở giới trẻ và thu nhập bình quân tăng lên, nên thị trường ăn vặt ngày càng trở nên hấp dẫn. Do đó, bánh gạo hay snack gạo là món ăn vặt ưa thích của người tiêu dùng.

Ở các nước phát triển, người ta không có nhiều thời gian vào bếp, nên rất cần gạo đã qua sơ chế. Có thể bây giờ là đã chậm so với các nước xuất gạo đã định hình thị trường, nhưng vẫn còn cơ hội. Đó là gạo đồ, sản phẩm đang được thị trường Hồi giáo ưa chuộng. Chìa khoá chất lượng và tính linh hoạt là “nồi hấp áp suất liên tục”, kết hợp với tự động hoá hoàn toàn, cùng quy trình ngâm lúa… sẽ cho ra sản phẩm độc đáo.

Ông Rustom Mistry, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Bühler Việt Nam: Hãy bắt đầu từ nhu cầu người dùng

Ông Rustom Mistry.

Trong năm năm tới, không chỉ là người tiêu dùng nước ngoài, mà cả người tiêu dùng Việt Nam cũng sẽ chọn những sản phẩm nào an toàn cho họ. Nhận thức về thực phẩm an toàn chắc chắn có sự thay đổi lớn. Việt Nam cần một chuỗi nối kết liền mạch cho gạo. Từ nhà máy nhỏ, nhà máy lớn, từ người nông dân cho tới các trang trại lớn, tất cả cần được nâng tầm, cho từng công đoạn. Thị trường có thể lúc trầm lúc bổng, đừng quá lo lắng mà phải xác định cho rõ muốn tồn tại, chất lượng gạo Việt Nam phải ổn định, không thể nay vầy mai khác.Muốn bán được gạo, phải đảm bảo niềm tin cho đối tác.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt cần xác định mục tiêu thị trường cho mình là ở đâu. Tôi thấy chúng ta đang bán gạo chứ chưa quan tâm tới người dùng, xem họ cần gì. Việt Nam cũng không quan tâm lắm tới sở thích của bạn hàng. Cần có một cuộc cách mạng cho ngành nông nghiệp, cứ nói là xuất khẩu lớn, thị trường bao la, nhưng chưa xác định rõ ràng thị trường ở đâu? Thị trường đó đang thiếu gì? Mình có thương hiệu chưa? Có giống tốt chưa? Nhà máy hiện đại chưa? Bán gạo hay bán giá trị gia tăng? Những câu hỏi này khi có lời giải đáp thì gạo Việt mới có thể đi từ “tốt” tới “tuyệt vời”.

Ngọc Bích ghi

Hoàng Lan – Ngọc Hiệp – Ngọc Bích (theo TGHN)