Châu Phi 'chán' gạo Thái Lan, Ấn Độ, tăng nhập khẩu gạo từ Việt Nam – tigifood
Giỏ hàng

Châu Phi 'chán' gạo Thái Lan, Ấn Độ, tăng nhập khẩu gạo từ Việt Nam

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất trong 2 tháng nhờ nhu cầu mua từ châu Phi tăng.


Cụ thể, giá gạo tấm 5% của Việt Nam đã tăng từ 330 - 340 USD/tấn trong tuần trước lên mức 350 USD/tấn, tương đương mức cao nhất hồi đầu tháng 8.

Một thương nhân có trụ sở tại An Giang cho biết, nhu cầu gạo đang dần phục hồi và nhiều chuyến hàng chờ được xếp lên tàu tại các cảng TPHCM.

Dữ liệu sơ bộ cho thấy, trong thời gian từ ngày 1 - 20/10, có ít nhất 70.600 tấn gạo ​​sẽ được xếp lên tàu tại các cảng của TP.HCM. Phần lớn các chuyến hàng này sẽ được xuất khẩu sang Tây Phi và Malaysia.

Theo một thương nhân tại TP.HCM, trong thời gian gần đây, nhu cầu đối với gạo jasmine Việt Nam của châu Phi đã tăng đáng kể.

Dữ liệu hải quan công bố ngày 10/10 cho thấy, xuất khẩu gạo từ Việt Nam đã giảm 20,4% so với tháng 8 xuống 479.363 tấn trong tháng 9. 

Tuy nhiên, xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 5,06 triệu tấn, mức tăng 3,7% so với năm 2018.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2019. Ảh: recerd.org.vn

Ngược lại với Việt Nam, giá gạo xuất khẩu tại Ấn Độ, Thái Lan, Bangladesh đang đồng loạt giảm trong tuần này. Cụ thể, giá gạo tấm 5% của Ấn Độ chỉ đạt 368 – 372 USD/tấn, mức thấp nhất trong 4 tháng gần đây. Nguyên nhân là do nhu cầu từ các quốc gia châu Phi đối với mặt hàng này đang suy giảm.

“Các nước Châu Phi đang có lượng hàng tồn kho lớn. Hiện tại, họ không hoạt động tích cực trong thị trường (Ấn Độ)”, một nhà xuất khẩu, tại Kakinada - miền Nam bang Andhra Pradesh - Ấn Độ, cho biết.

Trong tháng 8, xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã giảm 29% so với cùng kỳ xuống còn 644.249 tấn.

Tại thị trường Thái Lan, nhu cầu suy giảm cũng khiến giá gạo tấm 5% chỉ đạt 396 - 400 USD/tấn trong tuần này, thấp hơn nhiều so với mức 396 - 417 USD/tấn trong tuần trước.

"Dường như sẽ không có nhu cầu mới nào đối với gạo Thái Lan trong ngắn hạn, ngay cả trong tháng tới", một thương nhân tại Bangkok cho hay.

"Thị trường đang kỳ vọng về nguồn cung mới sau khi kết thúc mùa mưa trong tháng này", một thương nhân khác cho hay. 

Châu Phi động lực tăng trưởng mới của giá gạo thế giới

Mới đây, Fitch Solutions đã đưa ra một số dự báo về thị trường gạo. Theo đó, Nhu cầu nhập khẩu gạo toàn cầu sẽ tiếp tục mở rộng vào năm 2020 và 2021, dựa trên nhu cầu vững chắc hơn từ Trung Quốc, Philippines và các nước châu Phi. 

Các nước châu Phi đã tăng cường nhập khẩu và hiện chiếm tỷ trọng lớn hơn trong nhập khẩu toàn cầu (màu xanh dương nhạt). 

Cụ thể, Trung Quốc sẽ vẫn là nhà nhập khẩu gạo lớn nhất vì cơ chế giá trợ cấp tối thiểu (MSP) của nước này đẩy giá gạo nội địa tăng cao và khuyến khích thương nhân Trung Quốc nhập khẩu gạo nước ngoài rẻ hơn. Tuy nhiên, nhập khẩu có thể giảm trong trung hạn nếu chính phủ Trung Quốc quyết định giải phóng bớt tồn kho đang tăng lên của mình hoặc giảm giá MSP, làm giảm khả năng cạnh tranh về giá của gạo nhập khẩu.

Ngoài ra, các nước châu Phi đã tăng cường nhập khẩu và hiện chiếm tỷ trọng lớn hơn trong nhập khẩu toàn cầu, dần trở thành động lực quan trọng của giá cả. Châu phi Hạ Shahara là khu vực duy nhất mà tiêu thụ gạo bình quân đầu người đang tăng lên với thu nhập khả dụng. Nhập khẩu Nigeria, Bờ Biển Ngà, Guinea, Mozambique và Kenya đã tăng mạnh trong 3 năm qua.

Hà Linh (Nhịp cầu đầu tư)