Chuyển hướng nâng cao giá trị hạt gạo
Dự báo những khó khăn về xuất khẩu gạo Việt trong năm 2019 sẽ còn 'đeo bám' sang năm 2020, điều này đặt ra yêu cầu mạnh mẽ hơn trong nâng cao chất lượng, nâng cao giá trị hạt gạo và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu (XK) lúa gạo trong năm 2019 sụt giảm mạnh, giảm tới 300 triệu USD so với năm 2018. Trong đó, sản lượng gạo XK đạt 6,259 triệu tấn, chỉ thu về 2,758 tỷ USD, trong khi năm 2018 XK 6,1 triệu tấn nhưng thu về 3,060 tỷ USD.
Bên cạnh đó, giá gạo XK trong năm 2019 cũng giảm rất mạnh so với năm 2018. Bộ Công Thương cho rằng đây là nguyên nhân chính khiến giá trị XK gạo giảm sâu.
Xuất khẩu giảm sút
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cũng cho biết xuyên suốt cả năm 2019, XK gạo đối mặt nhiều khó khăn, với giá trị XK liên tục ghi nhận sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, 11 tháng năm 2019, khối lượng XK gạo ước đạt 5,91 triệu tấn, đạt 2,6 tỷ USD, tăng 4,8% về khối lượng nhưng giảm 9,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Về thị trường XK, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường XK gạo của Việt Nam với khoảng hơn 30% thị phần. Ngoài ra, các thị trường có giá trị XK gạo tăng mạnh là: Senegal, Bờ Biển Ngà, Tanzania, Đài Loan…
Báo cáo mới đây của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) về triển vọng ngành gạo trong năm 2020 cho biết ngành gạo Việt Nam sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do biến động mạnh về sản xuất, nhu cầu, giá và diện tích gieo trồng lúa sẽ bị thu hẹp.
Bộ NN&PTNT cho hay đến tháng 10/2019, cả nước có 7,47 triệu ha đất trồng lúa, thấp hơn 92.300ha so với cùng kỳ năm trước.
Dự kiến trong các năm tiếp theo, đất trồng lúa tiếp tục giảm thêm 500.000ha. Phần diện tích đất bị giảm sẽ được sử dụng cho các mục đích khác như nuôi trồng thủy sản hoặc trồng cây ăn trái nhằm giảm áp lực ngành gạo khi sản lượng sản xuất hiện cao hơn nhu cầu tiêu thụ.
Do đó, VDSC dự kiến tổng sản lượng gạo sản xuất trong năm 2020 sẽ vào khoảng 41,5 triệu tấn (giảm 6,7% so với năm 2019).
Bên cạnh đó, Philippines và Trung Quốc có thể giảm lượng gạo nhập khẩu trong thời gian tới. Bộ Nông nghiệp Philippines (DA) đã thông báo chấm dứt điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng gạo nhập khẩu vào Philippines. Tuy nhiên, nước này vẫn có thể sử dụng các biện pháp khác được cho phép bởi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và ASEAN để tác động đến tổng lượng gạo nhập khẩu.
Ngoài ra, giá gạo được dự báo nhiều khả năng sẽ giảm trong năm 2020, do các quốc gia khác đã và đang cơ cấu lại nền nông nghiệp để từ đó nâng cao khả năng tự cung cấp và đáp ứng phần nào nhu cầu lương thực nội địa. Đồng thời, Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các đối tác nhập khẩu mới.
Về XK lúa gạo năm 2020, hầu hết các chuyên gia nhận định vẫn còn nhiều khó khăn. Lý do bắt nguồn từ tình hình Hồng Kông (Trung Quốc) khủng hoảng chính trị và Indonesia sẽ giảm nhập khẩu gạo, tập trung tiêu thụ lượng gạo đang dự trữ trong kho, hiện đang tồn lượng quá lớn.
Tìm kiếm cơ hội mới
Chiến lược phát triển thị trường XK gạo của Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, được chia làm 2 giai đoạn: Từ năm 2017 - 2020, lượng gạo XK hàng năm đạt 4,5 - 5 triệu tấn, thu về 2,2 - 2,3 tỷ USD; giai đoạn từ 2021 - 2030, lượng gạo XK hàng năm khoảng 4 triệu tấn, trị giá 2,3 - 2,5 tỷ USD.
Đến năm 2020, cơ cấu gạo XK cũng thay đổi, gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình không vượt quá 20% tổng lượng gạo XK, gạo Japonica chiếm 30%, gạo nếp 20%, các loại gạo khác khoảng 5%. Đến năm 2030, tỷ lệ gạo trắng thường chỉ chiếm 25%, gạo phẩm cấp trung bình dưới 10%, gạo Japonica chiếm 40%, gạo nếp 25%, gạo dinh dưỡng khác khoảng trên 10%.
Chiến lược xác định rõ việc tăng tỷ lệ gạo XK trực tiếp vào các thị trường, trực tiếp vào các hệ thống phân phối gạo của các nước. Đến năm 2020, XK gạo sang châu Á chiếm 60% tổng lượng xuất, thị trường châu Phi khoảng 22%, Trung Đông 2%, châu Âu khoảng 5%, châu Mỹ khoảng 8%, châu Đại Dương 3%.
“Cần chuyển dịch cơ cấu thị trường XK theo hướng bền vững, khai thác nhu cầu ở các thị trường trọng điểm, truyền thống, phát triển các thị trường mới với nhiều loại gạo chất lượng, có giá trị kinh tế cao”, Chiến lược nhấn mạnh.
Theo đánh giá của các chuyên gia, để đạt được những mục tiêu trên, ngành lúa gạo phải cơ cấu lại diện tích, năng suất, để giảm dần sản lượng gạo hàng hóa XK về mức 4,5 - 5 triệu tấn năm 2020 và 4 triệu tấn năm 2030. Chuyển đổi canh tác đất lúa kém sang nuôi trồng thủy sản, trồng cây khác…
Thời gian tới, vấn đề quan trọng là phải tổ chức lại thị trường trong nước để đảm bảo gạo có chất lượng, bao bì, khả năng cung ứng tốt, đáp ứng những yêu cầu ngày càng khắt khe hơn từ các thị trường, điển hình là thị trường Trung Quốc.
Về thị trường XK cần thúc đẩy, mở rộng các thị trường khu vực châu Phi, Trung Đông cũng như những thị trường có khoảng cách địa lý gần như Indonesia, Philippines, tránh phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường chủ lực...
Nhận định về tương lai của ngành gạo trong năm 2020, đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng phân tích thêm: Mới đây, Thái Lan đã triển khai gói trợ cấp cho ngành lúa gạo giai đoạn 10/2019-10/2020, dự báo giá gạo Thái Lan sẽ cao làm giảm khả năng cạnh tranh. Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp XK của Việt Nam trong mở rộng thị trường trong năm 2020.
Hiện tại, Bộ NN&PTNT đã lên kế hoạch tiếp cận thị trường Singapore nhằm tận dụng lợi thế giao thương thuận lợi giữa hai nước vốn cùng khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Nhật Bản cũng mong muốn đa dạng hóa nguồn nhập khẩu gạo do hiện tại đang phụ thuộc khá nhiều vào nguồn cung từ Mỹ. Nhật Bản đang tìm kiếm các nhà cung cấp khác thuộc các quốc gia đã ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng gạo ST25 của Việt Nam giành giải quán quân gạo ngon nhất thế giới, vượt qua gạo Thái Lan và gạo Campuchia. Đây là cơ hội để Việt Nam cải thiện hình ảnh sản phẩm gạo trên thị trường thế giới.
Ông Nguyễn Xuân Cường -Bộ trưởng Bộ NN&PTNT
Chiến lược lâu dài, chúng ta chủ động đề xuất với Trung ương, Quốc hội, Chính phủ tới đây giảm diện tích trồng lúa, không thể giữ diện tích như hiện nay. Trong khi các đối tượng nuôi trồng, sản xuất khác rất hiệu quả. Hiện nay, các cơ quan nghiên cứu, quản lý đang tổng hợp để đề xuất. Chúng ta vẫn giữ vững an ninh lương thực và XK một phần phù hợp.
Ông Đỗ Hà Nam -Phó Chủ tịch Hiệp hôịLương thực Việt Nam
Sau bài học từ cơn sốt gạo ngon nhất thế giới ST25, chúng ta có thể khẳng định rằng người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm hơn đến những sản phẩm có giá trị cao, có uy tín trên thị trường. Chính vì thế, chúng ta cần nghiên cứu đầu tư sâu giống mới cũng như sản xuất mặt hàng lúa thơm có lợi nhuận cao thay vì trồng các loại gạo trắng bình thường có giá trị thấp.
Ông Nguyễn Quốc Toản -Cục trưởng Cục Chế biếnvà Phát triển thị trường nông sản
Gạo là mặt hàng XK truyền thống, phải cạnh tranh để thay đổi, phát triển. Giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho XK gạo trong thời gian tới là phải thúc đẩy gỡ khó trong XK sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, một số thị trường XK khác cần đẩy mạnh là Philippines, châu Phi…