Doanh nghiệp Việt cần lưu ý gì khi xuất khẩu gạo sang Hồng Kông? – tigifood
Giỏ hàng

Doanh nghiệp Việt cần lưu ý gì khi xuất khẩu gạo sang Hồng Kông?

Để có thể đưa được gạo sang thị trường vốn đòi hỏi rất khắt khe như Hồng Kông, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần chú ý khâu chế biến, quản lý chất lượng sản phẩm cũng như các quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Trung Kiên – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tại Hội thảo "Đón đoàn doanh nghiệp Hiệp hội các nhà nhập khẩu gạo Hồng Kông" vừa diễn ra tại Cần Thơ.

Theo Sở Công thương thành phố Cần Thơ, Việt Nam và Hồng Kông có mối quan hệ giao thương, mua bán hàng hóa thương mại từ lâu. Riêng Cần Thơ có giao thương, buôn bán nhiều mặt hàng nông sản, đặc biệt là gạo.

Chỉ tính riêng 9 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu từ thành phố Cần Thơ sang Hồng Kông đạt gần 30 triệu USD. Riêng mặt hàng gạo đạt hơn 6,6 triệu USD và thành phố còn nhiều tiềm năng để các nhà nhập khẩu gạo của Hồng Kông tiếp cận với nhiều giống gạo ngon, chất lượng cùng nhiều sản phẩm từ gạo.

Cần Thơ là nơi có nhiều đầu mối xuất khẩu gạo nhiều nhất Việt Nam và có nhiều loại gạo đặc sản.Có thể bạn quan tâm

Ông Nguyễn Minh Toại - Giám đốc Sở Công thương thành phố Cần Thơ cho biết, địa phương có tiềm năng lớn về xuất khẩu mặt hàng lúa gạo, có thể đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 - 1,2 triệu tấn mỗi năm, chất lượng đảm bảo đáp ứng yêu cầu của Hồng Kông, Nhật Bản và các nước châu Âu.

Theo ông Toại, hiện nay toàn thành phố có 41 doanh nghiệp xuất khẩu gạo và đã xuất sang hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ; mỗi năm xuất khẩu gạo mang về cho Cần Thơ hơn 300 triệu USD. Là trung tâm của vùng, vì vậy có nhiều doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực lúa gạo, thành phố có trên 150 nhà máy xay xát với công suất đạt trên 25.000 tấn/ngày.

"Để tiếp tục trong việc xuất khẩu gạo sang thị trường Hồng Kông, trong thời gian tới, TP. Cần Thơ sẽ chú trọng phát triển gạo chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm và đa dạng hóa các sản phẩm từ gạo như phở, bún khô, bánh gạo, sữa gạo", Giám đốc Sở Công thương thành phố Cần Thơ cho biết.

Tại Hội thảo, ông Kenneth Chan - Chù tịch Hiệp hội các doanh nghiệp nhập khẩu gạo Hồng Kông cho biết Hiệp hội này đã thành lập được 100 năm. Hiệp hội có 50 hội viên là các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp gạo, nhập khẩu gạo, bán sỉ, đại lý, giao nhận trong kinh doanh gạo. Hồng Kông có 7,5 triệu dân, 95% lương thực được nhập khẩu từ nhiều nước trên thế giới. Mỗi năm nhập khẩu từ 300-340 ngàn tấn gạo từ nhiều nước khác nhau. Ông Kenneth Chan đánh giá cao về xuất khẩu gạo Việt Nam.

“ Việt Nam là nước nông nghiệp mạnh và Hồng Kông đã nhập nhiều nông sản của Việt Nam trong những năm qua và tất nhiên trong đó gạo. Năm 2008, cuộc khủng hoảng gạo thế giới đã tạo ra cơ hội cho gạo Việt Nam. Trong 6 năm (2008-2013), Hồng Kông nhập khẩu gạo Việt Nam tăng đột biến từ 0,5% lên 42%. Trong 9 tháng đầu năm 2019, Hồng Kông đã nhập hơn 80 ngàn tấn gạo của Việt Nam…”, ông Kenneth Chan chia sẻ.

Nguyễn Trung Kiên- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp Hội VFA cho biết, để xuất khẩu gạo, DN cần nắm bắt nhu cầu của khách hàng Hồng Kông.

Theo ông Nguyễn Trung Kiên – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong những năm gần đây, Hồng Kông là một trong những thị trường quan trọng của gạo xuất khẩu Việt Nam với vị trí thứ 2 trong số các nước xuất khẩu gạo nhiều nhất vào thị trường Hồng Kông chủ yếu là các loại gạo thơm như Jasmine, Nàng Hoa, KDM…

Năm 2020, dự kiến khối lượng gạo mà Hồng Kông có nhu cầu nhập khẩu của Việt Nam sẽ nằm trong khoảng từ 90.000 – 120.000 tấn.

Theo lãnh đạo VFA, bên cạnh việc chú trọng chất lượng, ngành gạo Việt Nam cũng đang chú trọng xây dựng các cánh đồng liên kết với nông dân theo các tiêu chuẩn quốc tế như: Organic (USDA – Mỹ, EU, Nhật), Global GAP, SRP (tiêu chuẩn sản xuất gạo bền vững do Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc cùng Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế sáng lập và vận hành) đối với thị trường Hồng Kồng.

Tuy nhiên, để có thể đưa được gạo sang thị trường vốn đòi hỏi rất khắt khe này, ông Kiên khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần chú ý khâu chế biến, quản lý chất lượng sản phẩm cũng như các quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó cần nắm bắt ý kiến của khách hàng về sản phẩm gạo của Việt Nam.

“Doanh nghiệp cần nắm bắt nhu cầu của khách hàng Hồng Kông để từ đó có phương án định hướng cụ thể. Đồng thời, doanh nghiệp cần tìm hiểu các quy định xuất nhập khẩu của Hồng Kông đối với mặt hàng gạo vì đây là sản phẩm chịu sự kiểm soát ngặt nghèo về vấn đề về chất lượng", Phó Chủ tịch VFA nói.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, để đảm bảo nguồn gạo xuất khẩu theo đúng tiêu chuẩn quốc tế cần tăng cường việc rà soát và giám sát các khu vực trồng, quy hoạch và xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, khắc phục tình trạng sản xuất tràn lan cả diện tích lẫn cây giống. Liên kết trong sản xuất, đặc biệt chú trọng việc liên kết doanh nghiệp -nông hộ; doanh nghiệp - Hợp tác xã.

Bên cạnh đó, cần liên kết chặt chẽ với các hiệp hội, các cơ quan của Bộ, Chính phủ để chủ động nguồn nguyên liệu và nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho xuất khẩu.

Đức Linh (BÁO MỚI)