Gạo Việt: Định vị trên bản đồ nông sản
Tại Hội nghị Thương mại gạo thế giới lần thứ 11 được tổ chức tại Philippines tháng 11/2019, gạo ST25 của Việt Nam đã được vinh danh “Gạo ngon nhất thế giới”. Như vậy, sau hàng chục năm nỗ lực xây dựng thương hiệu, gạo Việt lần đầu tiên định vị được vị thế của mình trên trường quốc tế với vị trí cao nhất.
“Bàn đạp” xuất khẩu gạo Việt
Kết quả này thực sự ấn tượng trong bối cảnh xuất khẩu (XK) gạo gặp nhiều khó khăn như hiện nay, bởi thực tế, sau những lần được vinh danh trước đây, gạo Việt luôn tăng cao về giá trị trên thị trường. Đơn cử, từ năm 2015, Việt Nam đã có loại gạo AGPPS 103 của Tập đoàn Lộc Trời lọt top 3 loại gạo ngon nhất thế giới. Ngay sau khi đạt danh hiệu, loại gạo này đã liên tục nhận được các đơn hàng XK và phải từ chối vì không đủ lượng XK. Gạo ST24 cũng cháy hàng sau khi vinh dự xếp thứ hai trong 3 loại gạo ngon nhất thế giới tại Hội nghị quốc tế về thương mại gạo lần thứ 9 năm 2017.
Gạo ST25 chính gốc sản xuất không đủ bán ở Việt Nam |
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - chia sẻ, những năm gần đây, các doanh nghiệp (DN) nước ta đã đầu tư mạnh hơn cho chất lượng hạt gạo. Kết quả thực tế của năm 2018 đã cho thấy thành công của việc nâng cao chất lượng sản phẩm này. Cụ thể, năm 2018, giá gạo Việt Nam tăng mạnh, lên 502 USD/tấn, cao hơn giá gạo Thái Lan. Tỷ trọng gạo chất lượng cao năm 2018 chiếm tới 80%. Năm 2019, mặc dù XK gạo gặp nhiều khó khăn song các sản phẩm gạo chất lượng cao, gạo đồ, gạo hữu cơ… vẫn tìm được chỗ đứng riêng.
Bài học từ Campuchia cho thấy, XK gạo của Campuchia chỉ xấp xỉ gần 630.000 tấn/năm, bằng 1/10 lượng XK của Việt Nam, song chất lượng gạo hữu cơ của quốc gia này lại được các thị trường nhập khẩu yêu thích, điển hình là Hàn Quốc và Nhật Bản. Hiện, nước này đã lọt Top 5 nước XK vào EU, xuất sang Trung Quốc cũng tăng trưởng mạnh. Gạo thơm Campuchia cũng đã 4 lần đạt giải gạo ngon nhất thế giới. Điều này cho thấy, sức ảnh hưởng từ danh hiệu gạo ngon nhất thế giới mà Việt Nam đạt được hoàn toàn có thể là “bàn đạp” cho gạo Việt XK mạnh hơn ra thế giới.
Tiếp sức cho doanh nghiệp
Trước tình hình khó khăn chung của hoạt động XK gạo, ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết, thời gian qua, hoạt động điều hành XK gạo của Bộ Công Thương và các bộ, ngành đã bám sát mục tiêu tiêu thụ, kinh doanh XK gạo. Bộ Công Thương đã hoàn tất kiểm tra năng lực cho 22 DN XK gạo theo yêu cầu của phía thị trường Trung Quốc. Đồng thời, nghiêm túc thực hiện Nghị định 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh XK gạo để tháo gỡ vướng mắc, tạo môi trường thông thoáng nhất cho DN ngành gạo phát triển. “Nghị định 107 chỉ rõ, các doanh nhân kinh doanh các sản phẩm gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng không cần có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh XK gạo, không phải thực hiện dự trữ, lưu thông theo quy định. Đây là điều kiện thuận lợi cho các DN XK gạo chất lượng cao” - ông Chinh nêu rõ.
Bộ Công Thương cũng đang đẩy mạnh xúc tiến XK gạo vào các thị trường đã ký Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Từ đó, tận dụng ưu đãi thuế quan để đẩy mạnh XK, quảng bá cho hạt gạo Việt. Đơn cử, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, thuế nhập khẩu gạo sẽ về 0%. Dù thị trường này có nhu cầu không quá cao về gạo, song việc được XK sang một trong những khu vực khó tính và đòi hỏi chất lượng cao nhất thế giới sẽ giúp quảng bá tốt cho thương hiệu gạo Việt.
Theo GS. Võ Tòng Xuân - chuyên gia nông nghiệp: Để tận dụng được cơ hội, Việt Nam phải quyết liệt sắp xếp lại ngành sản xuất lúa gạo bài bản, sản xuất theo chuỗi. DN phải xây dựng vùng nguyên liệu lớn để sản xuất đồng nhất một loại giống, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu. Ngoài ra, không sản xuất tràn lan, thiếu quy hoạch; tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại nhằm tận dụng cơ hội xây dựng tốt thương hiệu gạo Việt trên thế giới. |