Nâng tầm thương hiệu, giá trị Việt Nam – tigifood
Giỏ hàng

Nâng tầm thương hiệu, giá trị Việt Nam

Được triển khai từ năm 2003, đến nay sau hơn 16 năm Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam (THQG) đã từng bước xây dựng và quảng bá, nâng cao hình ảnh đất nước Việt Nam thông qua các sản phẩm, hàng hóa dịch vụ chất lượng. Ngày càng nhiều hơn các doanh nghiệp (DN) mang THQG tự tin khẳng định thương hiệu trên trường quốc tế, vững vàng "mang chuông đi đánh xứ người" với nhiều mặt hàng xuất khẩu khẳng định "thương hiệu Việt" trên trường quốc tế.

Giá trị hướng đếncủa cộng đồng doanh nghiệp

Chương trình THQG là một chương trình xúc tiến thương mại dài hạn của Chính phủ Việt Nam được tiến hành với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, THQG thông qua thương hiệu của sản phẩm (hàng hóa và dịch vụ) gắn với 3 giá trị: "Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực tiên phong".

nang tam thuong hieu gia tri viet nam

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trao chứng nhận cho doanh nghiệp đạt THQG 2018

Theo đó, xây dựng và quảng bá hình ảnh Việt Nam là quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ đa dạng, phong phú với chất lượng cao. Nâng cao sức cạnh tranh cho các thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế trong quá trình hội nhập. Tăng cường sự nhận biết của các nhà phân phối và người tiêu dùng trong nước và nước ngoài đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam. Tăng thêm uy tín, niềm tự hào và sức hấp dẫn cho đất nước và con người, góp phần khuyến khích du lịch và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam…

Số lượng các DN đạt THQG tăng dần qua các thời kỳ. Cụ thể, năm 2008 có 30 DN, năm 2010 là 43 DN và đến năm 2018 là đợt tổ chức lựa chọn lần thứ 6, đã có 97 DN có sản phẩm được công nhận đạt THQG.

Có thể khẳng định, qua 16 năm triển khai, với sự tham gia tích cực của cộng đồng DN, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhiều sản phẩm thương hiệu Việt đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường cả trong nước và quốc tế. Quan trọng hơn, các DN đã quan tâm nhiều đến câu chuyện thương hiệu, coi đó là "chìa khóa" để cạnh tranh thành công trong kinh doanh. Rõ ràng, sự lan tỏa của câu chuyện thương hiệu trong cộng đồng DN đã trở nên rõ nét hơn rất nhiều so với khi mới triển khai chương trình.

Là chuyên gia của chương trình trong nhiều năm qua, PGS, TS. Nguyễn Quốc Thịnh - Trưởng bộ môn Quản trị thương hiệu (Trường đại học Thương mại) - nhận định, Chương trình THQG đã thật sự đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, nhất là cộng đồng DN về tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu… Chương trình cũng góp phần tạo dựng uy tín, tăng cường nhận biết đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt, tạo sự tin cậy, ưa thích của người tiêu dùng trên khắp thế giới đối với hàng hóa, dịch vụ và nhà sản xuất Việt Nam.

Từ những giá trị mà chương trình hướng đến, sự đồng hành, giám sát khi đánh giá sản phẩm, dịch vụ hàng hóa các DN của Ban Thư ký và Hội đồng các ban chuyên gia, Chương trình THQG được tiến hành một cách khoa học, chặt chẽ và nghiêm túc theo quy trình xét chọn, việc lựa chọn DN rất chặt chẽ, dựa trên Bộ tiêu chí với tính khoa học cao.

Nói về việc xét công nhận DN THQG, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Tổng thư ký Ban thư ký Chương trình THQG - nhấn mạnh, đây không phải là giải thưởng Chính phủ trao cho DN có sản phẩm đạt THQG mà việc công nhận DN vào danh sách này chỉ là bước khởi đầu. Khi DN có sản phẩm được công nhận là THQG sẽ được Chính phủ đồng hành trong việc quảng bá sản phẩm, thương hiệu ra thị trường trong nước cũng như quốc tế. Đồng thời, các DN này được hỗ trợ công tác tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực về xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu nhằm tăng sức cạnh tranh của DN.

Đổi mới gắn với xu thế hội nhập

Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang hội nhập ngày một sâu rộng, nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương đã và sẽ còn được ký kết, làm sao để giữ vững, phát huy giá trị thương hiệu, sức cạnh tranh của các DN, đặc biệt những DN THQG là vấn đề đặt ra. Một tín hiệu đáng mừng là thời gian qua, các DN THQG vẫn tăng trưởng và phát triển vững mạnh. Hầu hết DN đều duy trì tốc độ tăng trưởng cao cả về lợi nhuận và doanh thu, giữ vững thị trường nội địa và gia tăng xuất khẩu, đặc biệt có DN tăng trưởng gần 70%.

Có thể nói, Chương trình THQG đã phát huy tốt giá trị cốt lõi, giúp không ít DN tạo được chỗ đứng trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh phát triển kinh tế có nhiều điểm mới, sự điều chỉnh, thay đổi về định hướng, mở rộng đối tượng thực hiện chương trình là cần thiết.

Tính trước sự thay đổi cần thiết này, Bộ Công Thương đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg phê duyệt, ban hành Quy chế xây dựng, quản lý, thực hiện Chương trình THQG Việt Nam và Quyết định số 1320/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình THQG Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030.

Nói về những định hướng cơ bản của Chương trình THQG trong giai đoạn mới, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - cho biết, sẽ có sự gắn kết thương hiệu sản phẩm của DN với các hoạt động thu hút đầu tư, quảng bá văn hóa, du lịch. Từ đó, xây dựng THQG Việt Nam trở thành hình ảnh tích cực, hấp dẫn và thu hút đối với các nhà nhập khẩu, các du khách, nhà đầu tư… trên thị trường trong nước và quốc tế. "Chúng tôi kỳ vọng rằng, Đề án Chương trình THQG Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030 và Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình THQG Việt Nam sẽ tạo ra một cơ chế thống nhất, đồng thuận, trên phạm vi cả nước trong xây dựng, quảng bá thương hiệu, hình ảnh quốc gia Việt Nam" - ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải:
Chiến lược cạnh tranh bằng thương hiệu đang diễn ra rất mạnh mẽ và sâu rộng, không chỉ dừng lại ở cấp độ DN mà đã phát triển lên mức độ địa phương, ngành hàng và thậm chí ở cấp quốc gia. Chính vì vậy, Việt Nam cần tạo một chiến lược quảng bá đồng bộ, nhất quán và chuyên nghiệp về thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới.

Nguyễn Quang - Việt Nga (congthuong.cn)