Tăng diện tích lúa thu đông để đón giá tốt – tigifood
Giỏ hàng

Tăng diện tích lúa thu đông để đón giá tốt

Các tỉnh, thành ĐBSCL đã tập trung tăng diện tích lúa thu đông để đón thời cơ giá cả thị trường đang tốt, tình hình thời tiết, nguồn nước được dự báo thuận lợi.

Nhiều tỉnh tăng diện tích

ĐBSCL đã bước vào mùa mưa, xâm nhập mặn ở các cửa sông ven biển giảm dần và được đẩy lùi ra xa nội đồng. Nhận định của cơ quan khí tượng thủy văn, trong năm 2020, ít có khả năng xuất hiện lũ sớm ở đồng bằng Nam bộ, thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm vào cuối tháng 9.

Đây là điều kiện thuận lợi cho cho sản xuất vụ lúa thu đông (TĐ) 2020. Vì vậy, nhiều tỉnh đã tăng diện tích so với kế hoạch ban đầu.

Bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, vụ lúa TĐ 2020, tỉnh có kế hoạch xuống giống 38.500 ha. Tập trung chủ yếu ở các huyện trọng điểm như: Vị Thủy (12.600 ha), Phụng Hiệp (7.700 ha), Châu Thành A (7.000 ha)…

Đến nay, toàn tỉnh đã xuống giống được hơn 30.700 ha, lúa đang ở giai đoạn mạ đến đẻ nhánh, các giống được sử dụng chủ yếu: OM5451, OM18, Đài Thơm 8…

Tuy nhiên, chỉ tiêu mà Bộ NN-PTNT giao cho tỉnh Hậu Giang là 40.000 ha. Vì vậy, các huyện, thị, thành của tỉnh Hậu Giang đã tích cực chỉ đạo xuống giống TĐ tăng thêm 1.500 ha. Hầu hết các địa phương có điều kiện về sản xuất lúa đều phấn đấu thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra. Dự kiến, lúa TĐ của tỉnh Hậu Giang một số vùng xuống giống trễ sẽ kết thúc trước ngày 31/8.

Tại Kiên Giang, kế hoạch xuống giống lúa TĐ là 72.000 ha, góp phần nâng tổng sản lượng lương thực năm 2020 đạt gần 4,4 triệu tấn. TS Trần Quang Giàu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Kiên Giang cho biết, đến nay nông dân đã xuống giống được hơn 68.000 ha. Hiện còn đợt xuống giống từ 10-20/8 nữa là kết thúc.

Một số địa phương của tỉnh Kiên Giang đã xuống giống lúa TĐ vượt khá xa về diện tích so với kế hoạch đề ra. Cụ thể, huyện Giồng Riềng đã gieo sạ được 31.000/22.000 ha theo kế hoạch. Hiện địa phương này còn 1 xã xuống giống trễ, với diện tích khoảng 1.000 ha nữa mới kết thúc.

Ðến nay, nông dân TP Cần Thơ đã xuống giống lúa TĐ 2020 diện tích 66.587 ha, đạt 104% so với kế hoạch và tăng 3.637ha so với cùng kỳ. Hiện nhiều trà lúa đã bước vào giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trổ.

Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV TP Cần Thơ cho biết: Vụ lúa TĐ năm nay có khoảng 75% nông dân được khuyến cáo sản xuất các giống lúa dài có chất lượng cao nhằm cuối vụ dễ tiêu thụ. Các giống lúa gieo sạ trong vụ này chủ yếu gồm: OM5451, IR50404, OM4218, Ðài Thơm 8, OM380, Jasmine 85, nếp và một số giống khác…

Các cánh đồng lúa trên các quận, huyện đang ở giai đoạn đẻ nhánh, nhìn chung lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, trên các trà lúa TĐ 2020 cũng đã ghi nhận có sự xuất hiện các loại dịch hại và bệnh như rầy nâu, rầy phấn trắng, chuột, bệnh đạo ôn lá…

Sở NN-PTNT TP Cần Thơ yêu cầu ngành nông nghiệp các quận, huyện tăng cường hướng dẫn nông dân theo dõi sát tình hình sinh trưởng của cây lúa và bón phân cân đối, đảm bảo kịp đón đòng và hạn chế đổ ngã khi thu hoạch. Theo dõi chặt chẽ tình hình sâu bệnh, đặc biệt là rầy nâu và bệnh đạo ôn.

Thuận lợi nhiều mặt

Theo bà Hiếu, có thể nói sản xuất lúa TĐ năm nay gặp nhiều thuận lợi về thời tiết, sâu bệnh giảm nhiều so với cùng kỳ các năm trước và không lo bị ảnh hưởng của lũ ở cuối vụ vì đồng ruộng được khép kín, hệ thống đê bao khá an toàn. Nông dân yên tâm sản xuất, hứa hẹn một mùa bội thu.

Bên cạnh đó, năm nay từ vụ lúa đông xuân, hè thu giá lúa luôn cao, ổn định, giúp nông dân có lãi từ 2,2-3,5 triệu đồng/công (tùy vụ).

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định, trước diễn biến phức tạp của Covid-19, ngành NN-PTNT phải đảm bảo các chỉ tiêu Chính phủ giao trong năm 2020 là sản xuất 43,5 triệu tấn lúa. Do đó mũi sản xuất lương thực cực kỳ quan trọng. Vì vậy, Bộ chỉ đạo Cục Trồng trọt và Cục BVTV phải bàn với các địa phương, thống nhất phương án để tăng diện tích sản xuất lúa TĐ ở ĐBSCL lên trên 800.000ha.

Giá lúa trên địa bàn tỉnh tăng từ 150 - 200 đồng/kg so với tháng trước. Theo nhiều nông dân trồng lúa, hiện lúa tươi giống OM 5451 có giá 5.300 - 5.400 đồng/kg; OM 6976 giá 5.300 - 5.400 đồng/kg, Đài Thơm 8 giá 5.400 - 5.450 đồng/kg, IR 50404 giá 4.800 - 4.900 đồng/kg.

Nguyên nhân khiến giá lúa tăng là do nông dân sắp thu hoạch dứt điểm vụ lúa hè thu nên nguồn cung giảm.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tiêu thụ, xuất khẩu lúa gạo cũng tiêu thụ hết lượng lúa gạo hàng hóa. Giá gạo xuất khẩu có bước phục hồi tốt.

Tại An Giang, lúa TĐ những năm trước đây xem là vụ gặp nhiều khó khăn nhất do mùa lũ về. Nhưng các năm gần đây được sự đầu tư của tỉnh nên hệ thống đê bao và thủy lợi nội đồng kiên cố đảm bảo an toàn cho sản xuất vụ lúa này.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: Lúa TĐ được xem là vụ lúa sản xuất ăn chắc trong năm. Vì tỉnh đã khuyến cáo nông dân xuống giống ở những ô bao đảm bảo an toàn để sản xuất. Tuyệt đối nơi nào không an toàn không cho dân xuống giống.

An Giang có tổng số 643 tiểu vùng, trong đó có 421 tiểu vùng có đê bao triệt để với diện tích khoảng 194.000 ha. Dự kiến, kế hoạch diện tích xuống giống vụ TĐ 2020 toàn tỉnh gần 180.000 ha, ước năng suất đạt 6,2 tấn/ha, sản lượng ước đạt hơn 1 triệu tấn.

Cơ cấu giống lúa vụ TĐ năm 2020, An Giang tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo về cơ cấu giống lúa của Bộ NN-PTNT trong những năm qua là mỗi địa phương xác định cơ cấu giống gồm 4 - 5 giống chủ lực, 4-5 giống bổ sung và vài giống triển vọng mới, cơ cấu một giống không quá 20%.

Phấn đấu sử dụng 80% giống lúa chất lượng cao. Các giống lúa chủ lực trong vụ TĐ như: OM 9577, OM 9582, Đài Thơm 8, OM 5451, OM 7347, OM 6976, OM 18… Bên cạnh đó, đây cũng là những giống lúa phù hợp trồng trong thời tiết vụ TĐ, thời gian qua được doanh nghiệp thu mua giá cao và theo chiều hướng tăng.

Do đó, các huyện, thị xã và thành phố có biện pháp chỉ đạo và khuyến cáo nông dân sản xuất các giống này trong vụ TĐ năm 2020. Bên cạnh đó, có thể khuyến cáo nông dân sử dụng nhóm giống có triển vọng để thay thế các giống lúa không còn phù hợp trong sản xuất tại địa phương, được đề xuất như sau: Lộc Trời 7, OM 448, OM 418, OM 465…

Tuyệt đối không gieo trồng các giống lúa chưa được Bộ NN-PTNT công nhận. Riêng đối với nhóm giống lúa Japonica (lúa Nhật), đề nghị không sản xuất với diện tích lớn khi chưa có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, khi sản xuất phải phù hợp với quy định và gắn với quy hoạch của từng địa phương.

Đẩy mạnh liên kết chuỗi lúa gạo

Về tiêu thụ lúa thu đông, ông Thư cho biết thêm ở vụ lúa này có 15 doanh nghiệp đăng ký liên kết bao tiêu lúa với tổng diện tích là 25.000 ha, chiếm 15,48% diện tích dự kiến xuống giống. Hiện nay các địa phương cần tăng cường kết nối thông tin doanh nghiệp, thương lái thu mua lúa, nếp giúp tiêu thụ hết sản lượng được thu hoạch.

Căn cứ theo lịch xuống giống vụ TĐ, sản lượng lúa, nếp sẽ tập trung thu hoạch cao điểm vào các đợt giữa tháng 10, khoảng 248.000 tấn và giữa tháng 11 khoảng 310.000 tấn. Các thời điểm còn lại từ đầu tháng 10 sẽ có thu hoạch lúa TĐ liên tục.

Tại Kiên Giang, ngành nông nghiệp đã vận động các hợp tác xã tham gia vào việc tổ chức sản xuất lúa giống, để nhân rộng và xây dựng vùng lúa chuyên canh tập trung chất lượng cao. Xây dựng các cánh đồng lớn theo hướng hợp tác liên kết sản xuất, gắn với bao tiêu sản phẩm. Phân công cán bộ chuyên môn bám sát địa bàn, tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, quy trình canh tác. Hướng dẫn, khuyến cáo về cơ cấu giống lúa có khả năng chống chịu phèn, mặn.

Chú ý các vùng có khả năng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, mưa bão, lũ nhằm chủ động có các giải pháp xử lý kịp thời. Tăng cường công tác quản lý lúa giống, tăng diện tích sản xuất giống chất lượng cao trong từng vùng sản xuất, phấn đấu nâng tỷ lệ sản xuất lúa chất lượng cao chiếm khoảng 80% tổng diện tích gieo trồng, phù hợp với yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Đ.T.CHÁNH - LÊ HOÀNG VŨ (nongnghiep.vn)