Thị trường thay đổi tạo 'cơ hội' dịch chuyển cơ cấu xuất khẩu gạo
23/09/19
Thời gian gần đây, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đã có những thay đổi mạnh về cơ chế. Điều này, bên cạnh tạo ra những thách thức, thì cũng là cơ hội tốt để ngành gạo Việt Nam dịch chuyển trong cơ cấu xuất khẩu.
Thị trường xuất khẩu gạo thay đổi đã giúp thay đổi cơ cấu sản phẩm xuất khẩu gạo. Trong ảnh là tỷ lệ xuất khẩu gạo sang các thị trường 8 tháng đầu năm 2019. Ảnh: Cục xuất nhập khẩu.
Thông tin nêu trên đã được các diễn giả đưa ra tại hội thảo “Phát triển chuỗi giá trị ngành lúa gạo Việt Nam” được tổ chức vào ngày 19-9, ở Thành phố Cần Thơ.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex cho biết, xuất phát từ việc Trung Quốc thay đổi cơ chế nhập khẩu theo hướng giá tăng kiểm soát đã khiến xuất khẩu gạo Việt Nam vào quốc gia này thay đổi.
“Trước đây, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, nhưng sang năm 2019 chúng ta gần như đã mất thị trường quan trọng này”, ông cho biết và dẫn chứng cho đến nay, xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt khoảng 300.000 tấn.
Trong bối cảnh thị trường Trung Quốc sụt giảm, ông Nam cho biết, các doanh nghiệp trong ngành cũng đã nổ lực tìm kiếm, khai thác các thị trường khác, đặc biệt là thị trường Philippines và khu vực châu Phi.
Tuy nhiên, theo ông Nam, khó khăn đầu tiên được VFA nhận diện, đó là rủi ro kinh doanh ngày càng nhiều, trong đó, có rủi ro liên quan việc phải đầu tư thiết bị, máy móc để sản phẩm có chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường, trong khi khả năng tài chính của doanh nghiệp lại rất hạn chế.
“Thứ hai, các rào cản kỹ thuật được thị trường nhập khẩu đưa ra để gây khó cho xuất khẩu gạo ngày càng nhiều”, ông cho biết và nói rằng việc doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cũng làm ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch xuất khẩu.
Theo ông Nam, việc xâm nhập vào thị trường châu Phi, Mỹ cũng gặp rủi ro trong thanh toán, do vậy, doanh nghiệp Việt Nam chỉ tập trung ở thị trường châu Á. "Việc phát triển phụ thuộc lớn vào thị trường này đã tạo ra những khó khăn nhất định”, ông nói.
Ông Nguyễn Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH lương thực Phương Đông bên lề hội thảo cho biết, doanh nghiệp khai thác các thị trường ở khu vực châu Phi ẩn chứa rủi ro khá lớn, mà cụ thể việc thanh toán ở những thị trường khu vực châu Phi thường khách hàng yêu cầu trả chậm 90 ngày, thậm chí có không ít doanh nghiệp đã bị mất hàng khi xuất khẩu sang.
"Đã có doanh nghiệp xuất khẩu qua đây bị mất hàng dẫn đến phá sản luôn”, ông nói.
Ông Phạm Quang Diệu, Giám đốc Công ty cổ phần phân tích thị trường Agromonitor cho rằng, việc xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2019 gặp những khó khăn nhất định đó là xu hướng. “Nếu chúng ta nhìn trong sự so sánh của 2018- năm có mặt bằng giá xuất khẩu gạo rất cao, thì xu thế chung của thế giới trong năm 2019 này có giá rất thấp, cho nên, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó”, ông cho biết.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn đó, ông Diệu cho rằng, ngành gạo Việt Nam cũng đã có những gặt hái rất quan trọng, trong đó, chủ yếu là về sự dịch chuyển cơ cấu xuất khẩu gạo theo hướng nâng cao chất lượng.
Cụ thể, những năm trước đây, gạo chất lượng thấp IR 50404 chiếm một tỷ trọng khá lớn trong xuất khẩu gạo cả nước, thì trong năm 2019, các giống OM 5451, Đài Thơm 8- gạo chất lượng cao- đã gia tăng và giúp dịch chuyển cơ cấu xuất khẩu gạo rất lớn.
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng cục xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cho biết, nếu như năm 2015, gạo phẩm cấp cao chỉ chiếm 27,8% tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành, thì sang năm 2019 đã đạt 40%; gạo thơm năm 2015 đạt 22,7%, thì năm 2019 đạt 30%...
Theo ông Diệu, khi Philippines bãi bỏ việc áp dụng cơ hạn ngạch để chuyển sang áp dụng cơ chế thuế hóa trong nhập khẩu gạo đã tạo ra sự dịch chuyển quan trọng như nêu trên. “Tôi nghĩ sự biến chuyển của Philippines và sự “đóng băng” của thị trường Trung Quốc đã làm giảm rất lớn nhu cầu gạo IR 50404 và đặc biệt nữa thị trường Indonesia- thị trường vốn nhập khẩu gạo cấp thấp- không có nhu cầu mua năm 2019”, ông cho biết.
Ông Diệu cho rằng, năm 2019 là cơ hội rất tốt để Việt Nam dịch chuyển cơ cấu xuất khẩu gạo và đặc biệt khi Philippines thay đổi đã tạo ra lợi thế cho khu vực tư nhân Việt Nam gia tăng xuất khẩu.
Tuy nhiên, vấn đề lo ngại lớn của ông Diệu hiện nay, đó là việc quốc gia này có thể quay lại cơ chế nhập khẩu Chính phủ với vai trò quan trọng của Cơ quan lương thực quốc gia Philippines (NFA).
Trao đổi thêm với TBKTSG Online bên lề hội thảo về động thái Philippines áp thuế tự vệ đối với gạo nhập khẩu, ông Diệu cho rằng, việc này sẽ ảnh hưởng nhất định trong việc giao dịch giữa Việt Nam và Philippines.
"Tuy nhiên, nếu họ tiếp tục duy trì chính sách nhập khẩu như hiện nay (áp thuế nhập khẩu) và kể cả họ tăng thuế như tuyên bố, thì gạo Việt Nam vẫn có ưu thế vì Philippines là thị trường mà gạo Việt Nam có ưu thế vượt trội so với Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan, Myanmar”, ông cho biết và nói rằng việc này có thể sẽ đẩy giá gạo vào thị trường Philippines tăng cao.
Trung Chánh (thesaigontimes)