Thị trường xuất khẩu gạo 9 tháng đầu năm 2019
25/10/19
9 tháng đầu năm 2019 xuất khẩu gạo của cả nước đạt 5,06 triệu tấn, thu về 2,2 tỷ USD, tăng 3,4% về lượng nhưng giảm 10,4% về kim ngạch.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo tháng 9/2019 sụt giảm 20,4% về lượng và giảm 21,7% về kim ngạch so với tháng 8/2019, đạt 479.363 tấn, tương đương 210,94 triệu USD; tuy nhiên so với cùng tháng năm 2018 thì tăng 33,1% về lượng và tăng 21,3% về kim ngạch. Giá xuất khẩu gạo trong tháng 9/2019 đạt trung bình 440 USD/tấn, giảm 1,7% so với tháng liền kề trước đó và giảm 8,9% so với tháng 9/2018.
Cộng chung cả 9 tháng đầu năm 2019 xuất khẩu gạo của cả nước đạt 5,06 triệu tấn, thu về 2,2 tỷ USD, tăng 3,4% về lượng nhưng giảm 10,4% về kim ngạch so với 9 tháng đầu năm 2018. Giá xuất khẩu trung bình giảm 13,4%, đạt 435,6 USD/tấn.
Gạo của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Philippines, đạt 1,89 triệu tấn, tương đương 773,78 triệu USD, tăng mạnh 188% về lượng và tăng 159,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018, chiếm 37,3% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước và chiếm 35,1% trong tổng kim ngạch. Giá xuất khẩu sang thị trường này giảm 10% so với cùng kỳ, đạt 410,3 USD/tấn.
Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc - thị trường đứng thứ 2 về kim ngạch trong 9 tháng đầu năm nay sụt giảm rất mạnh, giảm 65,6% về lượng, giảm 66,8% về kim ngạch và giảm 3,5% về giá so với cùng kỳ năm trước, đạt 387.807 tấn, tương đương 192,88 triệu USD, giá xuất khẩu đạt 497,4 USD/tấn, chiếm 7,7% trong tổng lượng xuất khẩu gạo của cả nước và chiếm 8,8% trong tổng kim ngạch.
Ngược lại, xuất khẩu sang Bờ biển Ngà - thị trường lớn thứ 3 lại tăng mạnh 149,3% về lượng và tăng 81,8% về kim ngạch so với cùng kỳ, đạt 427.762 tấn, tương đương 182,58 triệu USD, chiếm trên 8% trong tổng lượng và tổng kim ngạch.
Các thị trường nổi bật về mức tăng mạnh cả về lượng và kim ngạch trong 9 tháng đầu năm nay gồm có: Senegal tăng gấp 577 lần về lượng và tăng gấp 296,8 lần về kim ngạch so với cùng kỳ, đạt 53.706 tấn, tương đương 16,91 triệu USD; Brunei tăng 304,5% về lượng và tăng 279,4% về kim ngạch, đạt 7.868 tấn, tương đương 3,27 triệu USD; Bỉ tăng 145% về lượng và tăng 189,8% về kim ngạch, đạt 1.278 tấn, tương đương 0,88 triệu USD; Angola tăng 257,3% về lượng và tăng 138,3% về kim ngạch, đạt 13.459 tấn, tương đương 5,05 triệu USD.
Ngược lại, xuất khẩu gạo sang một số thị trường như Indonesia, Bangladesh, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ sụt giảm rất mạnh từ 66% – 96% cả về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Về chủng loại gạo xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 2019, gạo trắng chiếm 47% tổng kim ngạch; gạo Jasmine và gạo thơm chiếm 39,8%; gạo nếp chiếm 7,2%; gạo japonica, gạo giống Nhật chiếm 5,7%. Về gạo nếp, thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc chiếm gần 52%.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vừa qua, Chính phủ Phillipines cho biết sẽ cân nhắc sử dụng đa dạng các biện pháp phi thuế, như yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh và kiểm dịch thực vật, để điều chỉnh hoạt động nhập khẩu gạo. Bộ Nông nghiệp Phillipines cũng đang đề xuất áp thuế tự vệ đối với nhập khẩu gạo, dự kiến sẽ không thấp hơn 30%, do quy định trong Đạo luật Cộng hòa số 8800 của nước này có đề cập Philippines có thể áp thuế 30-80% đối với gạo nhập khẩu vượt quá 350.000 tấn. Như vậy, gạo nhập khẩu vào Philippines ngoài việc phải chịu thuế quan 35%, trong trường hợp nước này đã nhập khẩu quá 350.000 tấn, mức thuế phải chịu thấp nhất sẽ là 65%, điều này có thể trở thành một trong những nhân tố sẽ gây trở ngại cho hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường này trong thời gian tới.
Tuy nhiên, xuất khẩu gạo Việt Nam cũng có những tín hiệu tích cực từ thị trường khác. Điển hình Nhật Bản – quốc gia thường xuyên nhập khẩu 50% gạo từ Mỹ đang xem xét chuyển hướng sang nhập khẩu gạo từ các quốc gia ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); trong đó có Việt Nam.
Singapore – quốc gia thường xuyên nhập khoảng 30-40% gạo từ Thái Lan, đang xem xét chiến lược đa dạng hóa nhập khẩu từ các nguồn khác. Do đó, trong thời gian tới, cơ hội tiếp cận thị trường gạo Singapore sẽ mở ra với các quốc gia trên, đặc biệt là Việt Nam và Campuchia, các quốc gia trong cùng khu vực Đông Nam Á, có lợi thế giao thương cùng với Singapore.
Xuất khẩu gạo 9 tháng đầu năm 2019
(*Tính toán từ số liệu của TCHQ)
Nguồn: VITIC/Vinanet