Việt Nam có nhiều khả năng trở thành nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới trong năm 2020
Ngày 15-6, tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước. Tại phiên họp, phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã báo cáo, làm rõ thêm một số nội dung về công tác điều hành xuất khẩu mặt hàng gạo.
5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu 3,06 triệu tấn gạo
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong những tháng đầu năm 2020, diễn biến xuất khẩu gạo phức tạp do các quốc gia đang trong thời kỳ chống dịch căng thẳng, khó khăn. Rất nhiều nước tăng mua, tăng tích trữ lương thực. Tại Việt Nam, dịch Covid-19 tuy được khống chế nhưng vẫn xác định dịch vẫn đang diễn biến phức tạp; bên cạnh đó là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn gây nguy cơ và tâm lý thiếu lương thực. Đặc biệt, giá gạo liên tục tăng nhanh khi hai tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng tới 31,7% so với cùng kỳ; có nguy cơ đến đầu vụ Hè Thu sẽ bị thiếu hụt nguồn cung lương thực.
Chính vì vậy, trên cơ sở báo cáo chung của các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo đến hết tháng 5 để bảo đảm các nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo cũng như ổn định giá gạo trong nước và bảo đảm chủ động trong dự trữ lương thực. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện, trên cơ sở rà soát trữ lượng gạo tồn trữ ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng như trên địa bàn cả nước, đồng thời, xem xét các hợp đồng gạo mà Việt Nam đã ký với nước ngoài, các bộ, ngành đã chủ động báo cáo và Thủ tướng đồng ý cho phép tiến hành kiểm tra, đánh giá lại toàn diện về các hợp đồng đã đăng ký xuất khẩu gạo cũng như hợp đồng gạo đã giao.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã nhấn mạnh sự điều hành linh hoạt của Thủ tướng và Chính phủ khi đã chỉ đạo quản lý xuất khẩu gạo chặt chẽ và thông qua hạn ngạch xuất khẩu gạo tạm thời là 400.000 tấn trong tháng 4. Bộ trưởng cho biết: Ngay sau đó, đánh giá có điều kiện để phát triển xuất khẩu gạo, nhất là khi giá gạo thế giới đang tiếp tục ở mức cao và tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu gạo của Việt Nam trong khi có đủ cơ sở để yên tâm về vụ gạo Hè Thu sắp tới cũng như lượng gạo tồn trữ, Thủ tướng đã thống nhất (trong cuộc họp với 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các bộ, ngành) tiếp tục cho triển khai hoạt động xuất khẩu gạo trở lại bình thường trong tháng 5.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: MINH AN. |
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, theo báo cáo, sản lượng gạo của Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu để tiêu thụ gạo cho người nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng như của cả nước, đồng thời mang lại hiệu quả cho điều hành xuất khẩu gạo. Với những vấn đề còn có bất cập, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu, rút kinh nghiệm để bảo đảm điều hành có hiệu quả, từ đó để tiếp tục hoàn thiện hơn nữa các khuôn khổ pháp luật để điều hành xuất khẩu gạo cũng như bảo đảm an ninh lương thực.
“Mặc dù có một số ý kiến cho rằng điều hành chưa thực sự thông suốt nhưng kết quả của 5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt cơ bản tốt; xuất khẩu 3,06 triệu tấn gạo, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch đạt 1,48 tỷ đô la Mỹ, tăng 25,44% và Việt Nam cũng đã nhận định trong năm 2020 chúng ta có khả năng trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu gạo thế giới”, Bộ trưởng Bộ Công Thương thông tin.
Kích cầu trong nước giai đoạn mới
Liên quan đến tình hình thực tiễn và các giải pháp cần phải triển khai để thực hiện phát triển sản xuất công nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu trong tình hình mới, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh đến những thách thức từ dịch bệnh trong thời gian qua, khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, có thể nói ngay từ đầu trong đợt dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ cũng như Chính phủ đã có chỉ đạo rất quyết liệt để thực hiện mục tiêu kép là phòng, chống dịch bệnh một cách an toàn, hiệu quả và đồng thời tiếp tục tháo gỡ khó khăn hỗ trợ và thúc đẩy cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, bảo đảm duy trì yêu cầu phát triển đất nước.
Đánh giá cao những giải pháp điều hành của Chính phủ trong thời gian qua, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, trong tháng 4 và tháng 5 đã có những bước đầu cơ bản thành công trong khống chế dịch bệnh; các hoạt động tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã từng bước khôi phục lại và tương đối hiệu quả.
Dẫn ra một loạt con số như: Sản xuất công nghiệp tháng 5 đạt mức tăng 11,2% so với tháng trước; sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,8%, chỉ số PMI về quản trị mua hàng tăng 10 điểm..., Bộ trưởng khẳng định: Điều đó cho thấy rõ ràng là chúng ta đã có được những cơ sở và điều kiện để khôi phục lại điều kiện sản xuất trong khi vẫn bảo đảm yêu cầu cao về phòng, chống dịch bệnh.
Cùng với đó, Chính phủ đã tiếp tục có chỉ đạo để đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường và các bộ, ngành cũng đã đều vào cuộc, tập trung vào củng cố và tổ chức lại các chuỗi cung ứng cho sản xuất công nghiệp, tạo sự bền vững nhưng linh hoạt hơn, tránh phụ thuộc vào một số thị trường...
Song song đó, tập trung thúc đẩy phát triển xuất khẩu và tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã ký cũng như khai thác các thị trường thuận lợi và tiềm năng. Ngoài ra, tập trung kích cầu tiêu dùng trong nước gắn với đẩy nhanh tái cơ cấu thị trường trong nước và phát triển thương mại điện tử.
“Bộ Công Thương cũng đã có đề xuất nhằm kích cầu trong nước giai đoạn mới, khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh. Trong đó, Đề án phát triển nền tảng ứng dụng thương mại điện tử và thúc đẩy kết nối giữa các nhà sản xuất, các nhà phân phối để kết nối với thị trường cũng là trọng tâm của năm 2020”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin.
NGUYỄN THẢO (qdnd.vn)