Xây dựng thương hiệu gạo Việt: Nâng vị thế, tăng giá trị – tigifood
Giỏ hàng

Xây dựng thương hiệu gạo Việt: Nâng vị thế, tăng giá trị

Lúa nước là cây lương thực đã gắn bó với đời sống người dân Việt Nam từ ngàn đời nay. Không chỉ là nguồn lương thực chính của người dân, trong hàng thập kỷ qua, lúa gạo còn là nguồn hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và Việt Nam cũng là một trong những quốc gia top đầu về xuất khẩu gạo.

anh-lua-gao-vn-w1600-h837.jpg

Trong nhiều năm qua, gạo luôn là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Hằng năm, lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu trên thế giới. Năm 2019, Việt Nam dự kiến xuất khẩu khoảng 6,5 triệu tấn lúa gạo, tiếp tục đứng vị trí thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường thế giới có sự cạnh tranh gay gắt, nhu cầu tiêu thụ gạo đang giảm đi, trong khi các nước tăng cường chấn hưng nông nghiệp, gia tăng nguồn cung trong nước, nên mặc dù sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục tăng, nhưng kim ngạch lại giảm khá mạnh. Giá xuất khẩu gạo năm 2019 liên tục giảm và duy trì ở mức thấp hơn nhiều so với năm 2018. Thậm chí có thời điểm, giá gạo xuất khẩu đã “chạm đáy” trong 12 năm qua, gây tác động tiêu cực đến không chỉ Việt Nam, Thái Lan mà còn nhiều quốc gia xuất khẩu gạo khác.

Trước tình hình đó buộc gạo là mặt hàng xuất khẩu truyền thống phải cạnh tranh để thay đổi, phát triển. Không chỉ chú trọng tăng năng suất, sản lượng, việc xây dựng thương hiệu chất lượng gạo Việt sẽ là động lực quan trọng để chúng ta khẳng định vị thế gạo Việt trên thị trường quốc tế.

anh-lua-gao-vn-2-w1200-h679.jpg

Về tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu, giải pháp trước mắt là mở rộng thị trường mới, tập trung gồm châu Phi, ASEAN để bù đắp sự sụt giảm ở thị trường Trung Quốc. Trong sản xuất sẽ cơ cấu các giống lúa cho phù hợp những nhóm thị trường trên. Về lâu dài, chủ trương ngành sẽ giảm 500.000 ha đất lúa để chuyển sang đối tượng sản xuất none nghiệp khác là thủy sản, trái cây... Mỗi vùng miền có thế mạnh nào sẽ chuyển đổi đối tượng đó để giảm áp lực về sản lượng lúa gạo. Bên cạnh đó, ngành lúa gạo cũng tập trung vào chế biến sâu. Chuỗi giá trị gạo không chỉ là hạt gạo mà là các sản phẩm phụ như trấu, cám, dầu… kể cả sản phẩm gạo cũng sẽ đa dạng như: gạo hữu cơ, gạo dược liệu…

Về lâu dài, nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết của ngành nông nghiệp là xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. Năm 2018, sau gần 30 năm xuất khẩu gạo, chúng ta đã công bố được bộ logo thương hiệu gạo Việt Nam. Và một sự kiện đặc biệt khác là tháng 11 vừa qua, loại gạo ST25 của Việt Nam đã được công nhận là loại gạo ngon nhất thế giới năm 2019. Đây là những tin vui cho ngành lúa gạo nước nhà trên con đường khẳng định thương hiệu đối với quốc tế.

1-w886-h583.jpg

Hiện nay Việt Nam cũng đã có bộ giống chất lượng cao, phù hợp với môi trường sinh thái của từng vùng, miền. Tuy nhiên, công nghiệp sản xuất giống chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong khi đó, trình độ canh tác, khả năng tiếp thu tiến bộ khoa học và ý thức tuân thủ quy trình sản xuất của người nông dân còn nhiều hạn chế. Công nghệ sau thu hoạch vẫn là điểm yếu trong lĩnh vực nông nghiệp từ nhiều năm qua. Chưa nói tới những thủ tục buộc phải thực hiện, như việc đăng ký nhãn hiệu quốc tế, để có những loại gạo đủ tiêu chuẩn chiếm lĩnh các thị trường "kỹ tính" là cả câu chuyện dài. Bởi nó liên quan đến hàng loạt vấn đề của ngành lúa gạo nói riêng và nông nghiệp Việt Nam nói chung, như: nguồn giống, quy trình sản xuất, công nghệ sau thu hoạch…

Khắc phục những tồn tại, hạn chế này, trước hết phải bắt đầu từ việc tái cơ cấu ngành lúa gạo. Ba điểm nhấn quan trọng về tái cơ cấu đã và đang được triển khai là: thay đổi cơ cấu giống lúa, hình thành vùng nguyên liệu của doanh nghiệp và sản xuất bền vững. Theo đó, Việt Nam đang tích cực gia tăng diện tích lúa thơm, đặc sản, có tiềm năng xuất khẩu cao phù hợp với quy hoạch phát triển của từng vùng; Xác định việc tuân thủ các quy định kỹ thuật, nâng cao chất lượng gạo là vấn đề cốt lõi trong nâng cao giá trị, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.

2-w960-h640.jpg

Chương trình thử nghiệm chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam VnSAT cho thấy, khi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cùng với đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất (máy cấy, máy gặt đập liên hợp…) chi phí sản xuất lúa gạo giảm được từ 7 đến 12%, góp phần quan trọng vào việc đưa sản xuất ở khu vực 8 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đi dần vào sản xuất bền vững.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tham gia ngày càng nhiều vào xây dựng vùng nguyên liệu (cánh đồng lớn) lúa gạo xuất khẩu cũng đang làm thay đổi sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng hình thành các chuỗi liên kết để nâng cao giá trị cho hạt gạo. Đến nay đã hình thành được các vùng sản xuất có giống lúa xác định, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu.

st25-ten-goi-1-loai-gao-cua-viet-nam-dat-giai-quan-quan-gao-thom-ngon-nhat-the-gioi-w800-h500.jpg

Việc giống gạo ST25 của Việt Nam ra đời sau gần 30 năm tìm tỏi cải tạo giống, được công nhận là loại gạo ngon nhất thế giới cho thấy, việc đầu tư nghiên cứu khảo nghiệm, kiểm nghiệm các loại giống mới có chất lượng cao vào quy trình sản xuất gạo xuất khẩu là vô cùng quan trọng. Đây là công việc đòi hỏi sự phối hợp giữa nghiên cứu và thực hành thực tiễn. Và trong vai trò kiến tạo, các cơ quan quản lý nhà nước cần tạo chất xúc tác, thúc đẩy phát triển các chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao; đồng thời làm tốt vai trò xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, cũng như ngăn chặn có hiệu quả vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hướng tới xây dựng giá trị, thương hiệu vững mạnh và tin cậy của sản phẩm lúa gạo Việt Nam với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

anh-lua-gao-vn-5-w600-h396.jpg

Cuối năm vừa qua, tiếp nối thành công các lần tổ chức trước đây tại các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng và Long An, Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ IV- Vĩnh Long năm 2019 (từ ngày 13 đến 19-12) tiếp tục tôn vinh cây lúa, hạt gạo, thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng bền vững, lấy tăng trưởng xanh làm nền tảng, đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Với chủ đề: “Phát triển bền vững nông nghiệp-nông dân-nông thôn Việt Nam”, Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ IV là sự kiện ý nghĩa về kinh tế- chính trị-văn hóa-xã hội, nhằm tăng cường hiệu quả các hoạt động quảng bá hình ảnh và năng lực cung ứng, xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam nói chung, Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng với bạn bè quốc tế; từng bước đẩy mạnh tăng trưởng sản lượng gạo, góp phần nâng cao hơn nữa vai trò của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong vấn đề an ninh lương thực quốc gia và đóng góp cho an ninh lương thực thế giới; tích cực hỗ trợ cho các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp.

Thu Hạnh (Công lý và Xã hội)