Xuất khẩu gạo 'lập đỉnh' giữa cạnh tranh gay gắt
Giữa rất nhiều khó khăn của nhiều mặt hàng nông sản khi xuất khẩu (XK) sang Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, xuất khẩu gạo bỗng nổi lên như một điểm sáng. Cũng vì thế, nông dân đã có một vụ đông xuân ấm.
Điểm sáng giữa tâm bão
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, trong tháng 2/2020, kim ngạch XK nông sản ước đạt 2,57 tỷ USD, tăng 33,6% so với tháng 2/2019 nhưng giảm 7,0% so với tháng 1/2020. Lũy kế 2 tháng, kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản ước đạt 5,34 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhóm nông sản chính ước đạt 2,5 tỷ USD, giảm 4,3%; lâm sản chính đạt 1,6 tỷ USD, tăng 10,2%; thủy sản ước đạt 932 triệu USD, giảm 15,9%.
Giá gạo xuất khẩu tăng, nông dân Cần Thơ bán được lúa đông xuân với giá cao. Ảnh tư liệu
Trong khi khá nhiều mặt hàng XK giảm đáng kể về kim ngạch (quế đạt 11 triệu USD, giảm 39,0%; cá tra đạt 226 triệu USD, giảm 27,4%; hạt điều 84 triệu USD, giảm 17,4%; cao su 256 triệu USD, giảm 16,1%; rau quả 513 triệu USD, giảm 11,9%) thì gạo, lâm sản và sắn đều tăng cả về lượng và giá trị XK.
Theo đó, XK gạo trong 2 tháng đầu năm 2020 đạt 890.000 tấn (tăng 27,0% so với cùng kỳ năm 2019), giá trị XK đạt 410 triệu USD (tăng 32,6%); XK sắn đạt 130.000 tấn (tăng 40,1%), giá trị 27 triệu USD (tăng 69,8%); XK lâm sản chính tiếp tục tăng cao, trong đó XK gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,53 tỷ USD (tăng 10,1%).
Điều đáng nói, giá gạo 5% tấm tại Việt Nam tăng vọt lên 380 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 12/2018. Gạo IR 50404 loại 5% tấm tăng từ 30 - 40USD/tấn, nhưng vẫn không có gạo để bán.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam - ông Đỗ Hà Nam cho hay dịch bệnh do virus Corona bùng phát tại Trung Quốc không ảnh hưởng tới hoạt động XK gạo Việt Nam sang thị trường lớn nhất thế giới này. Bởi nhiều năm qua, số lượng XK gạo vào Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 7% lượng gạo XK (tương đương khoảng 400.000 tấn) nên về cơ bản sẽ không có ảnh hưởng nhiều.
XK gạo khả quan ngay từ những tháng đầu năm 2020 mặc những tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế toàn cầu đã giúp giá lúa vụ đông xuân khá “ấm”.
Theo thống kê, nông dân các tỉnh ĐBSCL đã thu hoạch được khoảng 750.000ha trong tổng số 1,5 triệu ha lúa đông xuân, năng suất đạt khoảng 6,8 tấn/ha. Hiện các doanh nghiệp trong vùng mua lúa ướt của nông dân ĐBSCL tại ruộng với giá dao động 4.400 - 5.400 đồng/kg, cao hơn đầu vụ 300 - 500 đồng/kg; chỉ có giống lúa IR50404 tiêu thụ thị trường nội địa là giá thấp, khoảng 4.400 đồng/kg. Trong đó, giá lúa hạt dài cao hơn lúa thường 300 - 800 đồng/kg.
Giá lúa thu mua tại kho của doanh nghiệp 5.400 - 6.400 đồng/kg, cao hơn mức bán lúa tươi tại ruộng của nông dân bình quân 1.000 đồng/kg. Nhiều thương lái, doanh nghiệp đã đến tận ruộng của nông dân đặt cọc và ký hợp đồng bao tiêu thu mua lúa dài với giá 5.000 - 5.200 đồng/kg.
Có thể soán ngôi Thái Lan?
Theo nhận định của Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan Charoen Laothamatat, Việt Nam có thể soán ngôi Thái Lan về XK gạo trong năm nay trong bối cảnh thị trường đang cạnh tranh vô cùng gay gắt. Trong khi đó, chi phí sản xuất gạo của Thái Lan ngày càng cao, tỷ giá đồng bath biến động và hạn hán đang đe dọa tới mùa màng.
Hiện, Ấn Độ đã trở thành nước XK gạo lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 30% thị phần, kế tiếp là Thái Lan. Năm 2020, Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan chỉ đặt ra mục tiêu XK 7 triệu tấn, mức thấp nhất trong vòng 7 năm qua.
Việc soán ngôi XK gạo thứ hai thế giới của Thái Lan là hoàn toàn có cơ sở bởi theo nhận định của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2020 XK gạo của Việt Nam sẽ có triển vọng do tác động tích cực của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cũng như yếu tố cung cầu của thị trường thế giới có sự thay đổi.
Trong đó không thể không kể đến cơ hội đa dạng hóa thị trường, gia tăng thị phần tại EU thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất - nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, theo EVFTA, bên cạnh thuế nhập khẩu, Việt Nam và EU sẽ áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với một số ít mặt hàng có xuất xứ từ bên kia, trong đó có nhiều hàng hóa là thế mạnh của Việt Nam.
Điển hình, một số loại gạo được áp hạn ngạch 40.000 tấn, sẽ được miễn thuế nhập khẩu. Rõ ràng đây là cơ hội vàng cho XK gạo bởi xưa nay nhiều mặt hàng gạo xuất sang thị trường EU phải chịu thuế nhập khẩu từ 5 - 45%, thậm chí một số nước trong khối áp mức thuế lên tới 100%.
Trong khi đó, đối thủ của chúng ta là Campuchia được miễn thuế xuất khẩu gạo vào EU nên năng lực cạnh tranh về giá cả của gạo Việt không cao. Do vậy, khi EVFTA có hiệu lực, thuế suất bằng 0%, nếu Việt Nam tận dụng tốt XK được hết hạn ngạch 80.000 tấn mà EU cấp thì kim ngạch XK sẽ gia tăng mạnh.
Đó là chưa kể, trong khuôn khổ tham vấn song phương với Hàn Quốc, từ ngày 1/1/2020, bên cạnh việc phân bổ 20.000 tấn gạo cho tất cả thành viên WTO, Hàn Quốc sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch riêng là 55.112 tấn gạo.
Những cơ hội này, nếu tận dụng tốt, số lượng và kim ngạch XK gạo của Việt Nam chắc chắn sẽ tăng cao hơn năm 2019 - một năm được đánh giá là ảm đạm.
Theo KHÁNH NGUYÊN (Dân Việt)