Xuất khẩu gạo sang Philippines và Bờ biển Ngà tăng rất mạnh – tigifood
Giỏ hàng

Xuất khẩu gạo sang Philippines và Bờ biển Ngà tăng rất mạnh

Philippines và Bờ biển Ngà là 2 thị trường tiêu thụ gạo hàng đầu của Việt Nam, với mức tăng trưởng rất mạnh trên 100% về lượng so với cùng kỳ năm trước.


Ảnh minh hoạ


Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo 10 tháng đầu năm 2019 tăng 4,9% về lượng so với cùng kỳ năm trước, đạt 5,51 triệu tấn, nhưng kim ngạch lại giảm 8,8%, đạt 2,41 tỷ USD và giá xuất khẩu cũng giảm 13,1%, đạt trung bình 437,9 USD/tấn.

Philippines đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam với 1,94 triệu tấn, tương đương 800,25 triệu USD, giá 411,8 USD/tấn, tăng mạnh 182,3% về lượng, tăng 156% về kim ngạch nhưng giảm 9,3% về giá so với cùng kỳ năm 2018, chiếm 35,3% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước và chiếm 33,2% trong tổng kim ngạch.

Bờ biển Ngà đứng thứ 2 thị trường, với 517.197 tấn, tương đương 223,05 triệu USD, giá trung bình 431,3 USD/tấn, tăng trưởng 144,1% về lượng và tăng 83% về kim ngạch, nhưng giảm mạnh 25% về giá, chiếm trên 9% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Gạo xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sụt giảm rất mạnh cả về lượng, kim ngạch và giá, với mức giảm tương ứng 65,4%, 66,7% và 3,6% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 427.546 tấn, tương đương 212,02 triệu USD, giá 495,9 USD/tấn, chiếm 7,8% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước và chiếm 8,8% trong tổng kim ngạch.

Xuất khẩu gạo sang thị trường Malaysia 10 tháng đầu năm đạt 490.798 tấn, ương đương 194,68 triệu USD, giá 396,7 USD/tấn, tăng 6,4% về lượng nhưng giảm 6,6% về kim ngạch và giảm 12,2% về giá so với cùng kỳ, chiếm trên 8% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Xét về mức tăng trưởng xuất khẩu gạo trong 10 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2018 thì thấy đa số các thị trường tăng kim ngạch; trong đó đặc biệt chú ý là xuất khẩu sang Senegal mặc dù chỉ đạt 62.915 tấn, tương đương 20,36 triệu USD, nhưng so với cùng kỳ năm 2018 thì tăng gấp 56,4 lần về lượng và gấp 44,3 lần về kim ngạch; Bên cạnh đó, xuất khẩu sang Bỉ cũng tăng mạnh 164,5% về lượng và 205,7% về kim ngạch, đạt 1.378 tấn, tương đương 931.662 USD; Brunei tăng 175% về lượng và tăng 159,7% về kim ngạch, đạt 7.891 tấn, tương đương 3,28 triệu USD; Angola tăng 287,4% về lượng và tăng 154,5% về kim ngạch, đạt 15.608 tấn, tương đương 5,8 triệu USD; Nga tăng 164,6% về lượng và tăng 139,4% về kim ngạch, đạt 22.414 tấn, tương đương 9,2 triệu USD.

Ngược lại, xuất khẩu gạo sang Indonesia giảm mạnh nhất, giảm gần 96% cả về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 33.177 tấn, tương đương 14,73 triệu USD; Bangladesh giảm 74,4% về lượng và giảm 78,3% về kim ngạch, đạt 5.114 tấn, tương đương 1,87 triệu USD; Thổ Nhĩ Kỳ giảm 72,2% về lượng và giảm 77,2% về kim ngạch, đạt 1.311 tấn, tương đương 0,62 triệu USD.

Tại thị trường trong nước, giá lúa, gạo tăng

Tại An Giang, lúa IR50404 tăng 500 đồng/kg, lên 4.800 đồng/kg, lúa OM 5451 giữ ở mức 5.100 - 5.400 đồng/kg; lúa OM4218 tăng 200 đồng/kg lên mức 4.900 đồng/kg; gạo IR50404 ở mức 10.000 đồng/kg; gạo chất lượng cao 13.000 đồng/kg; gạo thơm đặc sản jasmine 14.000 đồng/kg.

Tại Vĩnh Long, lúa Thu Đông tại huyện Vũng Liêm tăng 200 đồng/kg lên mức 4.300 đồng/kg; gạo IR50404 ở mức 12.000 đồng/kg; gạo jasmine 14.000 đồng/kg.

Tại Kiên Giang, lúa IR50404 tăng 300 đồng/kg lên mức 5.300 đồng/kg; lúa OM 4218 tăng 300 đồng/kg lên mức 5.500 - 5.700 đồng/kg; lúa OM 6976 tăng 300 đồng/kg lên 5.600 - 5.800 đồng/kg; lúa Jasmine ổn định ở mức 5.800 - 6.000 đồng/kg.

Nguyên nhân giá lúa, gạo tại ĐBSCL tăng nhẹ do nguồn cung lúa hàng hóa đang bị thu hẹp, phần lớn diện tích lúa Thu Đông ở khu vực ĐBSCL đã được thu hoạch và tiêu thụ hết; Trong khi gần đây hoạt động thu mua lúa cũng được nhiều tiểu thương và doanh nghiệp đẩy mạnh để đảm bảo nguồn hàng phục vụ các đơn hàng xuất khẩu, cũng như phục vụ nhu cầu tại thị trường nội địa trong các tháng cuối năm.

Xuất khẩu gạo 10 tháng đầu năm 2019

(*Tính toán theo số liệu của TCHQ)

Nguồn: VITIC/Vinanet