Xuất khẩu gạo vẫn đạt tăng trưởng
Việt Nam đã thành công trong phát triển các giống lúa mới, đặc biệt là gạo thơm và gạo trắng, khai thác nhiều hơn vào các thị trường gạo quan trọng như Trung Quốc, Hồng Kông, Philippines, Đài Loan, Malaysia, Senegal. Cơ hội đang tiếp tục rộng mở hơn nữa khi Việt Nam đã tham gia EVFTA, CPTPP…
Theo Tổng cục Thống kê, dịch bệnh Covid-19 đã có những ảnh hưởng nhất định đến ngành sản xuất cả nước, tác động tiêu cực tới mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của cả năm 2020. Tuy nhiên, trong tháng 2/2020, hoạt động xuất khẩu vẫn ghi nhận mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 36,92 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước như: thủy sản đạt 912 triệu USD, giảm 17,7%; cà phê đạt 497 triệu USD, giảm 9,8%; rau quả đạt 481 triệu USD, giảm 17,4%; hạt điều đạt 315 triệu USD, giảm 19,3%; hạt tiêu đạt 81 triệu USD, giảm 18,8%. Riêng gạo tăng 20,5%, đạt 372 triệu USD.
Xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là điểm sáng trong hoạt động thương mại của Việt Nam với mức tăng trưởng 6%, cao hơn so với tăng trưởng 0,9% của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Cần thực hiện quy trình sản xuất an toàn, đảm bảo chất lượng đối với gạo xuất khẩu |
Theo các chuyên gia, xuất khẩu gạo vẫn đang duy trì được đà tăng trưởng là do nhu cầu gạo toàn cầu rất lớn. Được biết, nhu cầu nhập khẩu gạo của Senegal nói riêng và châu Phi nói chung vẫn ở mức cao do tháng hai vừa qua, đại dịch châu chấu bùng phát ở Đông Phi phá hoại mùa màng, thêm vào đó là dịch Covid-19 dẫn đến tâm lý người dân tăng cường tích trữ lương thực, thực phẩm, trong đó có gạo. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho hay, nhu cầu gạo của châu Phi năm 2020 ước khoảng 15,7 triệu tấn trong đó Senegal có thể phải nhập khẩu 1,3 triệu tấn.
Trong khi Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới đang đối mặt với hạn hán lan rộng, chi phí sản xuất tương đối cao. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã thành công trong phát triển các giống lúa mới, đặc biệt là gạo thơm và gạo trắng, khai thác nhiều hơn vào các thị trường gạo quan trọng như Trung Quốc, Hồng Kông, Philippines, Đài Loan, Malaysia, Senegal. Cơ hội đang tiếp tục rộng mở hơn nữa khi Việt Nam đã tham gia EVFTA, CPTPP…
Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, tình hình thế giới có nhiều diễn biến nhanh và khó lường, diễn biến thương mại gạo toàn cầu tiếp tục phát sinh yếu tố khách quan gây áp lực không nhỏ lên hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam. Đơn cử, ngày 5/3, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc phát đi thông báo cho biết, nước này có thể hoàn thành mục tiêu về sản lượng gạo trong năm nay, bất chấp sự bùng phát của dịch Covid-19. Hay Philippines tăng cường kiểm soát nhập khẩu gạo.
Theo đó, Philippines đề nghị Việt Nam cung cấp các tài liệu liên quan đến quy trình kiểm soát an toàn thực phẩm của Việt Nam, bao gồm các thông tin: cơ quan quản lý về thực phẩm thực vật, trong đó có an toàn thực phẩm đối với gạo xuất khẩu; thông tin về hệ thống quản lý an toàn thực phẩm đối với gạo xay xát trong quá trình sản xuất, chế biến, phân phối và xuất khẩu; thông tin về danh sách các thương nhân xuất khẩu gạo sang Philippines; quy trình kiểm tra và chứng nhận quá trình sản xuất, chế biến, phân phối và xuất khẩu để đảm bảo an toàn thực phẩm đối với gạo xuất khẩu của Việt Nam; các thông tin về chương trình giám sát an toàn thực phẩm của Việt Nam…
Philippines sẽ tiến hành cử Đoàn chuyên gia làm việc với cơ quan quản lý an toàn thực phẩm đối với gạo xuất khẩu, tham quan khu vực sản xuất, nhà máy chế biến do Cơ quan quản lý an toàn thực phẩm chỉ định. Dự kiến Đoàn chuyên gia sẽ làm việc tại Việt Nam từ ngày 9 - 12/3/2020.
Trước tình hình đó, để đảm bảo mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo được quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 (Nghị định 107) về dự trữ lưu thông và bình ổn giá thóc, gạo hàng hóa trong nước cũng như có biện pháp để ứng phó đối với rủi ro về giá, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đã ban hành công văn hỏa tốc số 225/XNK-NS ngày 8/3/2020 đề nghị các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo nghiêm túc thực hiện các quy định tại Nghị định 107.
Theo đó, cần thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó. Song song với đó, có trách nhiệm tổ chức hệ thống phân phối gạo, cung ứng ngay lượng gạo tồn kho và lượng gạo dự trữ lưu thông để bình ổn thị trường nội địa theo chỉ đạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…
Để thực hiện mục tiêu xuất khẩu đã được Thủ tướng Chính phủ giao, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam tăng cường khuyến nghị các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn hoặc là hội viên hiệp hội nghiêm túc chấp hành quy định tại Nghị định số 107 cũng như các văn bản chỉ đạo liên quan của Bộ Công thương và của Cục Xuất nhập khẩu.
Tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cao ý thức trong sản xuất, chế biến và kinh doanh nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho hạt gạo, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, thương hiệu doanh nghiệp. Thường xuyên theo dõi sát giá thóc, gạo trên địa bàn, nhất là thời điểm thu hoạch rộ vụ Đông Xuân 2019 - 2020, kịp thời báo cáo Cục Xuất Nhập khẩu khi thị trường có biến động.
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương hướng dẫn các thương nhân, hợp tác xã, người nông dân thực hiện quy trình sản xuất an toàn, đảm bảo chất lượng đối với gạo xuất khẩu, tạo thuận lợi cho công tác chuyển hướng thị trường một cách hiệu quả, kịp thời khi có vấn đề phát sinh.
Xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là điểm sáng trong hoạt động thương mại của Việt Nam với mức tăng trưởng 6%, cao hơn so với tăng trưởng 0,9% của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. |
Duy Khánh (Thời báo Ngân hàng)