Xuất khẩu gạo Việt Nam 2020 đối mặt với thuận lợi, khó khăn nào? – tigifood
Giỏ hàng

Xuất khẩu gạo Việt Nam 2020 đối mặt với thuận lợi, khó khăn nào?

Việc tận dụng hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm mà EU dành cho Việt Nam sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam thu hẹp bất lợi trong cạnh tranh (với Thái Lan, Campuchia) và mở rộng thị trường gạo cao cấp này.
Xuất khẩu gạo Việt Nam 2020 đối mặt với thuận lợi, khó khăn nào?
Ảnh minh họa.

Nhập khẩu gạo sẽ gia tăng tại nhiều thị trường

Bộ Công Thương mới có văn bản báo cáo Thủ tướng về kết quả xuất khẩu gạo năm 2019 và định hướng năm 2020.

Báo cáo cho biết, 2 tháng đầu năm 2020, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (Covid-19) diễn biến nhanh, phức tạp và nghiêm trọng, diễn biến thương mại gạo toàn cầu tác động không nhỏ tới hoạt động xuất nhập khẩu gạo của Việt Nam.

Báo cáo cho biết, diễn biến của dịch Covid-19 là nguyên nhân tác động đến khả năng xuất khẩu gạo và khả năng, nhu cầu, thời điểm nhập khẩu gạo của Trung Quốc. Nhu cầu từ Trung Quốc (trong cả nhập khẩu và xuất khẩu) sẽ tác động đến giá cả thị trường thế giới cũng như giá cả trong nước.

Do lo ngại dịch bệnh Covid-19, thời điểm tháng 2/2020, nhiều hãng tàu không nhận đơn vận chuyển và nhiều giao dịch đều được yêu cầu chuyển cảng nhận hàng. Điều này làm phát sinh chi phí vận chuyển.

Mặc dù Trung Quốc luôn duy trì lượng gạo tồn kho lớn nhưng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, việc trồng, sản xuất tại nước này có thể sẽ chịu tác động. Trung Quốc vẫn có nhu cầu nhập khẩu nhằm duy trì ổn định an ninh lương thực trong nước. Do vậy, thời điểm Trung Quốc tiến hành nhập khẩu gạo sẽ tác động đến tình hình giá cả trong nước cũng như thị trường quốc tế.

Thị trường Philippines, tăng cường kiểm soát nhập khẩu thông qua động thái tiến hành “đánh giá lại Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm đối với gạo xay xát nhập khẩu vào Philippines” và cử đoàn đánh giá làm việc tại Việt Nam sẽ tạo ra không ít tác động đến tâm lý của thị trường gạo Việt Nam khi Philippines là thị trường truyền thống, hàng năm có nhu cầu nhập khẩu lớn từ Việt Nam.

Việc tiếp cận nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo còn hạn chế do tính rủi ro cao của ngành nông nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, biến động khó lường của thị trường và không có trước hợp đồng xuất khẩu gạo. Điều này đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc thu mua thóc, gạo cho người nông dân cũng như tái cơ cấu lại hoạt động nhằm thích ứng với những biến đổi thị trường.

Về thuận lợi, báo cáo đánh giá, thương mại toàn cầu năm 2020 dự kiến là 46,0 triệu tấn, tăng 2% so với dự báo năm 2019. Mặc dù các thị trường như Bangladesh, Trung Quốc, Nigeria và Sri Lanka nhập khẩu ít đi song USDA dự báo nhập khẩu gạo sẽ gia tăng tại Philippines, châu Phi cận Sahara và Indonesia.

Đánh giá về thị trường Thái Lan, báo cáo cho biết, bên cạnh tác động của tỷ giá đồng Bath/đồng USD cao, việc sản lượng gạo của Thái Lan giảm so với mọi năm do hạn hán là một trong những nguyên nhân khiến cho giá gạo Thái Lan luôn giữ ở mức cao trong thời gian qua. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt tận dụng, cạnh tranh về giá tại các thị trường, nhất là một số thị trường gạo trung chuyển lớn như Singapore, Hồng Kông.

Thị trường châu Phi, khu vực thị trường châu Phi có thể giảm nhu cầu đối với gạo Trung Quốc do lo ngại sự lây lan của dịch bệnh Covid-19. Cùng với việc giá gạo của Thái Lan đang mở mức cao, đây có thể là cơ hội để gạo Việt Nam tiếp tục thâm nhập, mở rộng thị phần tại thị trường này.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng đề cập đến cơ hội do EVFTA có hiệu lực vào tháng 7/2020. Việc tận dụng hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm mà EU dành cho Việt Nam sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam thu hẹp bất lợi trong cạnh tranh (với Thái Lan, Campuchia) và mở rộng thị trường gạo cao cấp này. Trong trường hợp tận dụng tốt EVFTA, nửa cuối năm 2020, Việt Nam có thể xuất khẩu được 40.000 tấn gạo trong hạn ngạch thuế quan và 100.000 tấn gạo tấm vào EU…

Tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường

Để kịp thời ứng phó với tác động của dịch Covid-10 trong thời gian tới và thúc đẩy xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT theo dõi, thống kê sát thực về tình hình sản xuất, cơ cấu, sản lượng, nguồn thóc, gạo hàng hóa theo từng chủng loại, từng mùa vụ trong năm và thường xuyên cập nhật với Bộ Công Thương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và UBND các tỉnh để định hướng sản xuất, cân đối nguồn thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách khuyến khích, hỗ trợ triển khai xây dựng vùng nguyên liệu, thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ thóc, gạo; triển khai hướng dẫn việc gắn logo chính thức của thương hiệu gạo quốc gia Việt Nam đã được công bố từ năm 2018.

Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của thương nhân đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo, cơ sở sấy thóc tại vùng nguyên liệu; thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo xây dựng vùng nguyên liệu; người sản xuất lúa trong vùng nguyên liệu, người sản xuất lúa có liên kết sản xuất, tiêu thụ thóc, gạo với thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo; tạo điều kiện để giải ngân để thương nhân thu mua thóc, gạo cho người dân.

Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Hiệp hội Lương thực Việt Nam tiếp tục tăng cường tìm kiếm, mở rộng thị trường, thực hiện chương trình xúc tiến thương mại đối với mặt hàng gạo tại các thị trường có khả năng chuyển đổi, trong đó chú trọng các thị trường mới, tiềm năng như châu Phi, Trung Mỹ…


BẢO VY (BizLIVE)