Xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản sang Trung Quốc: Đáp ứng tốt các điều kiện để chiếm lĩnh thị trường
Trung Quốc là thị trường lớn cho nông lâm thủy sản nước ta, song thị trường này đang đặt ra nhiều rào cản với sản phẩm nhập khẩu, đòi hỏi doanh nghiệp phải nắm bắt tốt các điều kiện thị trường nhằm đáp ứng tiêu chuẩn, từ đó chiếm lĩnh thị trường.
Thông tin được đưa ra tại Hội nghị Kết nối xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc tổ chức chiều 1/12, tại TP Móng Cái cho thấy, với vị trí địa kinh tế thuận lợi, tỉnh Quảng Ninh đã và đang là “cửa ngõ” trong hoạt động xuất nhập hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc, góp phần đẩy mạnh tổng kim ngạch thương mại song phương giữa 2 nước
Việc hai nước Việt Nam - Trung Quốc thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện kể từ năm 2008 đến nay đã trở thành động lực cho sự hợp tác toàn diện giữa quốc gia, đặc biệt là quan hệ hợp tác về lĩnh vực kinh tế thương mại. Từ năm 2004 trở lại đây, Trung Quốc liên tục là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.
Nhằm thúc đẩy hoạt động biên mậu, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện hàng loạt các giải pháp, như quan tâm đầu tư các nguồn lực cải thiện hạ tầng giao thông, hệ thống cửa khẩu quốc gia, quốc tế…
Tuy nhiên, hiện phía Trung Quốc đang tăng cường hệ thống quản lý và có những yêu cầu nhất định về tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói, nhãn mác, bao bì… đã phần nào tác động đến tiến độ xuất khẩu nông thủy sản của nhiều doanh nghiệp.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), cho biết, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc tăng nhanh, với tốc độ tăng trưởng bình quân trong các năm gần đây đạt trên 20%/năm, đặc biệt năm 2017 kim ngạch thương mại 2 chiều đã đạt 93,7 tỷ USD, năm 2018 đạt trên 108 tỷ USD (trong đó XK đạt hơn 41 tỷ USD, tăng gần 17%; NK đạt trên 65 tỷ USD, tăng gần 12%). 10 tháng năm 2019 đạt 94,5 tỷ USD (XK đạt 32,5 tỷ USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước; NK đạt 62 tỷ USD, tăng USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước).
“Trung Quốc là thị trường lớn giúp tiêu thụ nông sản với dân số 1,4 tỷ người. Việt Nam là quốc gia láng giềng có ưu thế về vị trí địa lý, do đó cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu lớn. Thị trường Trung Quốc luôn đánh giá cao triển vọng và tiềm lực phát triển trong thương mại các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên thời gian gần đây, số lượng mặt hàng nông lầm thủy sản Việt Nam XK sang Trung Quốc giảm mạnh, đây là một thực tế dễ dàng nhận thấy tại các cửa khẩu lớn ở Việt Nam”, ông Toản nói.
Trao đổi với phóng viên về việc này, ông Hồ Toả Cẩm, Tham tán Công sứ Kinh tế và Thương mại nước CHND Trung Hoa tại Việt Nam cho rằng, các giống cây ăn quả của Việt Nam chưa được ổn định, thiếu các loại nông sản thượng hạng có sức hút với người tiêu dùng Trung Quốc. Cùng với đó, hiện nay phía Trung Quốc đã và đang áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, bao bì nhãn mác để đảm bảo an toàn và giám sát chặt chẽ những nguy cơ về an toàn thực phẩm.
“Khi các nhà sản xuất làm theo tiêu chuẩn sẽ giúp ngành hàng Việt Nam, các sản phẩm nông, lâm, thủy sản Việt Nam xuất sang thị trường Trung Quốc và thị trường quốc tế khác cũng thuận lợi hơn”, ông Hồ Tỏa Cẩm nói.
Lãnh đạo TP Móng Cái (Việt Nam) và TP Đông Hưng (Trung Quốc) ký biên bản ghi nhớ |
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, về một số giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào thị trường Trung Quốc, như: Năng lực sản xuất, xuất khẩu đối với một số mặt hàng chủ lực; các thỏa thuận hợp tác về quy định ATTP và kiểm dịch giữa Việt Nam và Trung Quốc; một số quy định về nhập khẩu nông sản của Trung Quốc; vấn đề xây dựng cặp cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) tham gia chuỗi cung ứng hàng nông, lâm sản; vấn đề phát triển dịch vụ Logistic, khâu gia công, chế biến, bảo quản, vận chuyển nông, lâm, thủy sản trên địa bàn TP Móng Cái (Việt Nam) và TP Đông Hưng (Trung Quốc).
Cũng tại hội nghị đã diễn ra lễ ký kết bản ghi nhớ giữa TP Móng Cái (Việt Nam) và TP Đông Hưng (Trung Quốc) và ký kết hợp tác kinh doanh giữa 6 cặp doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc với tổng giá trị hơn 15.000 tỷ đồng.