Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy
Trung Quốc vẫn đang là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, nhưng không còn dễ tính bởi các qui định về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao gói… Doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cần phải nâng cao nhận thức về vấn đề này.
Bà Vũ Thị Nguyệt, cán bộ xuất khẩu thuộc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Thanh Hải (Lạng Sơn) cho biết, công ty thường xuyên xuất khẩu hàng nông sản, hoa quả tươi theo mùa... sang Trung Quốc. Từ năm 2018, Trung Quốc đã đẩy mạnh kiểm tra truy xuất nguồn gốc, giấy tờ, tem mác, bao bì sản phẩm ngay tại cửa khẩu Tân Thanh.
Nếu phát hiện thông tin không đúng nguồn gốc, đơn vị sản xuất, tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng… họ sẽ trả luôn hàng hóa, tránh tình trạng hàng hóa khi đã vào trong khu vực bãi kiểm tra của họ mới phát hiện ra sai sót, phải làm thủ tục quay ra. Điều này cũng dẫn đến thời gian thông quan hàng hóa bị chậm lại, lượng hàng hóa xuất khẩu vào Trung Quốc cũng bị giảm đi.
“Ước tính, năm nay lượng hàng xuất khẩu giảm đi khoảng 40% so với khi chưa có yêu cầu về truy xuất nguồn gốc” - bà Vũ Thị Nguyệt cho hay, đồng thời nhận định, với bối cảnh hiện nay, vụ dưa hấu 2019 rất có thể lại bị ùn ứ hàng tại cửa khẩu do Trung Quốc yêu cầu dán 100% tem mác lên hộp và trên quả, không đóng rơm, mà phải đóng bao bì. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng quả dưa vì không lót rơm vận chuyển xa dễ bị dập, nẫu, việc đóng trong hộp gặp thời tiết nóng dễ hỏng.
Thực tế, đối với mặt hàng trái cây, Trung Quốc đã áp dụng các yêu cầu về đóng gói, ghi nhãn truy xuất nguồn gốc từ rất lâu đối với các nước khi xuất khẩu vào thị trường này, trong đó có các nước ASEAN. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, do đặc thù về thương mại biên mậu lâu đời với Trung Quốc, nên phải khẳng định là họ áp dụng các quy định về đóng gói, ghi nhãn truy xuất nguồn gốc sản phẩm với chúng ta muộn hơn so với các nước ASEAN.
Hàng hóa chờ xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) |
Cụ thể, tới năm 2018, phía Trung Quốc mới chính thức có thông báo đề nghị việc bắt buộc phải triển khai đóng gói, cung cấp các thông tin truy xuất nguồn gốc các loại hoa quả nhập khẩu từ Việt Nam. Theo phụ lục hướng dẫn về tem nhãn truy xuất nguồn gốc của phía Trung Quốc, 8 loại trái cây đã được xuất khẩu sang Trung Quốc, trên thùng sản phẩm chỉ phải ghi những thông tin gồm: Tên tổ chức xuất khẩu; chủng loại hoa quả; tên nhà vườn hoặc số đăng ký (tức mã số vùng trồng); tên xưởng đóng gói hoặc số đăng ký (tức mã số cơ sở đóng gói).
Tuy nhiên, dù những quy định mới của phía Trung Quốc đã được các ngành chức năng của Việt Nam phổ biến suốt từ năm 2018 đến nay, nhưng chưa được các DN xuất khẩu, các cơ sở thu mua lẫn nông dân thực sự chú ý, quan tâm thực hiện, dẫn đến tình trạng hàng nhiều nhưng xuất khẩu gặp khó khăn.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nông Hải Thăng - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý cửa khẩu Tân Thanh - Cốc Nam cho rằng, trước đây, phía Trung Quốc thực hiện việc kiểm tra khi hàng hóa của chúng ta đã qua cửa khẩu vào trong bãi kiểm tra hàng hóa. Từ ngày 12/10/2019, Trung Quốc áp dụng hệ thống kiểm tra, giám sát toàn bộ quy trình hàng hóa nhập khẩu ngay tại cổng kiểm soát số 1, do vậy thời gian kiểm tra hàng hóa đã bị kéo dài từ 1-2 phút trước đây, nay phải mất khoảng 7 phút/xe. Vì vậy, khi lượng hàng hóa đổ dồn về cửa khẩu tăng đột biến, các lực lượng chức năng ở cửa khẩu cố gắng cũng mới chỉ thông quan hàng hóa được khoảng 180 - 200 xe.
“Để góp phần đẩy nhanh thông quan hàng hóa xuất khẩu vào Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm đến chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bao gói, đáp ứng các tiêu chuẩn phía Trung Quốc đặt ra” - ông Nông Hải Thăng khuyến nghị. Về phía cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn, ông Thăng cho biết, đã trực tiếp trao đổi với phía Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ kiểm tra, giám sát, giảm thời gian thông quan. Đồng thời đề nghị phía Trung Quốc không kiểm tra trực tiếp tại cửa khẩu, mà kiểm tra khi xe vào các bến bãi để giảm ùn ứ hàng hóa.
Doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc cần tuân thủ các quy định về truy xuất nguồn gốc |
Ông Nguyễn Quốc Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn - cho biết, hiện Việt Nam mới được Trung Quốc chấp nhận 9 mặt hàng xuất khẩu, trong khi Thái Lan có trên 20 mặt hàng được chấp thuận. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng đàm phán với Trung Quốc bổ sung thêm các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào danh mục. Các doanh nghiệp, thương nhân cần chủ động nghiên cứu, tìm hiểu, cập nhật thông tin về chính sách điều hành xuất nhập khẩu của Trung Quốc, đặc biệt là các quy định về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại…
Theo ông Nguyễn Quốc Hải, trong hệ thống kho bãi dọc tuyến biên giới phía Bắc, hệ thống kho bãi Lạng Sơn, Tân Thanh được đánh giá là tốt, đảm bảo điều kiện cho doanh nghiệp bốc xếp hàng hóa. “Với dưa hấu hay các loại nông sản sắp tới, doanh nghiệp cần tìm giải pháp thích hợp để đáp ứng yêu cầu phía Trung Quốc. Chúng tôi chia sẻ với doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp không thể sản xuất ra quả dưa hấu không đảm bảo tiêu chuẩn mà cho rằng vì kiểm tra chặt. Doanh nghiệp có thể dùng đệm rơm bảo quản dưa hấu tới Lạng Sơn rồi từ kho bãi của Lạng Sơn đóng hộp, dán tem nhãn để xuất khẩu sang nước bạn, như vậy chất lượng vẫn đảm bảo” - ông Nguyễn Quốc Hải nói.
Ở góc độ vĩ mô, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - khẳng định, hiện nay yêu cầu về chất lượng nghiêm ngặt là xu hướng chung, ngay ở Việt Nam, hàng hóa vào các siêu thị cũng phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng hàng hóa... Do đó, trước việc Trung Quốc thay đổi giám sát quy trình nhập khẩu hàng hóa, để tránh rủi ro, phiền hà, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần chấp hành, tuân thủ các quy định về bao gói, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, sẽ giúp khâu kiểm tra, thông quan được thuận lợi, nhanh chóng, giảm thiểu thiệt hại trong quá trình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu…