Hội nghị Xúc tiến thương mại tỉnh Tiền Giang năm 2023 tại TP. Hồ Chí M – tigifood
Giỏ hàng

Hội nghị Xúc tiến thương mại tỉnh Tiền Giang năm 2023 tại TP. Hồ Chí Minh: Ký kết nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác

(ABO) Sáng 29-8, tại TP. Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại tỉnh Tiền Giang năm 2023.

 

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; Trần Thế Ngọc, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang; Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh; Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang; lãnh đạo các sở, ban, ngành và địa phương tỉnh Tiền Giang; đại diện các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp (DN)…

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, Tiền Giang và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được thiên nhiên ưu đãi, đã trở thành vùng trọng điểm về sản xuất lúa - gạo, trái cây, rau màu và thủy sản của cả nước, với nhiều chủng loại đa dạng, phong phú.

Người dân Tiền Giang đã có nhiều kinh nghiệm và trình độ thâm canh, sản xuất ra nhiều sản phẩm hàng hóa truyền thống, đặc trưng, riêng có của tỉnh.

Ngày nay, với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật, sự đòi hỏi khắt khe của thị trường và người tiêu dùng, người dân Tiền Giang đã chuyển sang mô hình sản xuất hiện đại, sạch và xanh, từng bước đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, đáp ứng yêu cầu của thị trường và người tiêu dùng.

ới vị trí địa lý khá thuận lợi “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, sự quyết tâm cao, đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, sự nỗ lực vươn lên của cộng đồng DN tỉnh nhà, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh những năm qua đạt được nhiều kết quả tích cực.

GRDP giai đoạn 2011 - 2020 tăng trưởng bình quân 6,5%/năm; năm 2022 tăng 7,02% với quy mô GRDP xếp thứ 21/63 tỉnh, thành trên cả nước, đứng thứ 3/13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.

6 tháng đầu năm 2023, GRDP tiếp tục tăng trưởng 3,03% so với cùng kỳ. Tình hình sản xuất nông nghiệp, thủy sản ổn định; các loại hàng hóa nông sản đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Thu hút đầu tư, phát triển DN, sản xuất công nghiệp ghi nhận tín hiệu khá tích cực trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức. Hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động, lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường dồi dào.

Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 14,1% so cùng kỳ; xuất khẩu 2,27 tỷ USD, tăng 10,9% so cùng kỳ. Du lịch phục hồi mạnh mẽ, lượng khách du lịch đến tỉnh tăng 94,9% so cùng kỳ.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội luôn được quan tâm thực hiện, quốc phòng - an ninh được đảm bảo, đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp an tâm đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tiền Giang là một trong các tỉnh có diện tích trồng cây ăn trái lớn nhất cả nước, với hơn 80.000 ha và sản lượng hằng năm trên 1,8 triệu tấn trái cây các loại.

Trong đó, có một số loại trái cây đặc sản như: Xoài cát Hòa Lộc, bưởi, sầu riêng Cai Lậy, vú sữa Vĩnh Kim, khóm Tân Phước, thanh long Chợ Gạo…

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất cây ăn trái đặc sản, rau màu chuyên canh theo tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Tỉnh hiện có diện tích nuôi trồng thủy hải sản trên 15.000 ha, sản lượng khai thác trên 360.000 tấn/năm.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 32 DN chế biến nông, thủy sản xuất khẩu trực tiếp; trong đó, có 19 DN chế biến thủy sản, 6 DN chế biến rau quả và 7 DN được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Năng lực chế biến gạo có quy mô khá lớn với 195 cơ sở với tổng công suất là 2,58 triệu tấn/năm. 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo tăng 2,2 lần về lượng và 2,7 lần về giá trị so với 6 tháng đầu năm 2022.

Toàn tỉnh hiện có 121 cơ sở chế biến thủy, hải sản với công suất 345.000 tấn/năm; trong đó, có nhiều DN xuất khẩu trực tiếp.

Đặc biệt có 4 DN xuất khẩu thủy sản có quy mô lớn, với vùng nuôi đáp ứng khoảng 80% sản lượng nguyên liệu/năm. Trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 152,5 triệu USD. Tỉnh hiện có 6 nhà máy chế biến hàng rau quả với quy mô khá lớn.

Đặc biệt, tỉnh tập trung phát triển các sản phẩm OCOP. Đến nay đã công nhận 211 sản phẩm, trong đó có 103 sản phẩm OCOP được chứng nhận 4 sao, 108 sản phẩm OCOP được chứng nhận 3 sao, tiếp tục công nhận các sản phẩm 5 sao.

Những năm gần đây, các sản phẩm nông, thủy sản của Tiền Giang đã khẳng định được thương hiệu, chất lượng trên thị trường trong và ngoài nước.

Giá trị cũng như sản lượng tăng nhanh qua các năm và đóng góp tích cực vào quá trình tăng trưởng kinh tế của tỉnh; đã tạo được việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, nhiều năm qua, việc tiêu thụ các loại hàng hóa nông sản của Tiền Giang còn gặp khó khăn do công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm còn hạn chế.

Hội nghị Xúc tiến thương mại năm 2023 tại TP. Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm tiếp tục hình thành và từng bước mở rộng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ của tỉnh Tiền Giang với các đối tác trong và ngoài nước theo hướng ổn định, bền vững.

Đồng thời, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc trưng, các sản phẩm du lịch của tỉnh Tiền Giang đến các khách hàng trong và ngoài nước, cũng như xúc tiến kêu gọi các dự án đầu tư vào tỉnh.

Cùng với hội nghị này, được sự hỗ trợ của chính quyền TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Tiền Giang tổ chức Tuần lễ giới thiệu các sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng tỉnh Tiền Giang tại Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh.

Tiền Giang mong muốn tạo điều kiện hỗ trợ cho các DN, hợp tác xã (HTX) và các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP và nông sản của tỉnh có cơ hội tiếp cận hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi, các kênh phân phối khác ở các tỉnh, thành phố, nhất là TP. Hồ Chí Minh và các đối tác quốc tế.

Tỉnh Tiền Giang hy vọng rằng, sau hội nghị này, hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi và các kênh phân phối khác ở các tỉnh, thành phố, nhất là TP. Hồ Chí Minh và các DN nước ngoài sẽ thuận lợi hơn trong việc tìm hiểu, tiếp cận các sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của tỉnh Tiền Giang.

Đồng thời, các DN, HTX và đơn vị sản xuất, kinh doanh của tỉnh có cơ hội tiếp cận các hệ thống phân phối, người tiêu dùng để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của mình.

Qua hội nghị hôm nay, tỉnh rất mong sẽ nhận được nhiều ý kiến của quý đại biểu để Tiền Giang làm tốt hơn các hoạt động xúc tiến thương mại trong thời gian tới.

Các DN, HTX của tỉnh được lắng nghe để thay đổi, nâng cấp mình, hòa nhập vào dòng chảy thương mại ngày càng sôi động trong nước và thế giới.

Tại hội nghị, các hiệp hội DN nước ngoài, đại diện các hệ thống phân phối đã có những chia sẻ về thị trường. Đồng thời, thông tin về nhu cầu, yêu cầu trong cung ứng hàng hóa cũng như định hướng liên kết, tiêu thụ nông sản hàng hóa với các DN, đơn vị trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Trong khuôn khổ hội nghị, Sở Công thương tỉnh Tiền Giang đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh, Tập đoàn Central Retail Việt Nam và Liên hiệp HTX Thương mại TP. Hồ Chí Minh. Các DN, HTX Tiền Giang cũng ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Satra, Liên hiệp HTX Thương mại TP. Hồ Chí Minh.