Bán gạo vào EU, doanh nghiệp phải đăng ký chủng loại để được ưu đãi
Để được hưởng ưu đãi, doanh nghiệp (các tổ chức, cá nhân) bán gạo vào thị trường liên minh châu Âu (EU) phải đăng ký chứng nhận chủng loại gạo xuất khẩu vào thị trường này với Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Nhập gạo vào kho tại chợ đầu mối nông sản Bà Đắc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Trung Chánh |
Nội dung nêu trên có trong dự thảo Nghị định hướng dẫn quy trình đăng ký chứng nhận chủng loại gạo xuất khẩu vào EU để hưởng ưu đãi hạn ngạch được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lấy ý kiến nhằm trình Chính phủ thông qua.
Theo đó, dự thảo Nghị định nêu trên quy định về chứng nhận chủng loại gạo được hưởng ưu đãi về thuế quan, phi thuế quan khi xuất khẩu vào EU theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Tiêu chí để được cấp giấy chứng nhận chủng loại gạo, dự thảo Nghị định nêu trên quy định: gạo được sản xuất từ giống lúa có chất lượng hạt phù hợp theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia; được gieo trồng trên diện tích đất có địa chỉ rõ ràng (tỉnh/thành phố, quận/huyện, phường/xã, tổ/thôn).
Ngoài ra, tiêu chí cấp giấy chứng nhận chủng loại gạo cũng quy định: đơn vị xuất khẩu có nhu cầu cấp giấy chứng nhận phải thực hiện thông báo với tổ chức cấp giấy chứng nhận chủng loại gạo trước khi sản xuất theo mẫu ban hành tại phụ lục kèm theo nghị định này.
Tiêu chí cũng yêu cầu trong quá trình sản xuất phải có sự kiểm tra 1 lần kèm theo tổ chức khảo nghiệm được chỉ định ở giai đoạn trước thu hoạch trong vòng 20 ngày theo nội dung quy định tại phụ lục kèm theo nghị định này.
Bên cạnh đó, lúa sau khi thu hoạch phải được phơi, sấy, bảo quản, xay xát, chế biến đóng gói tại cơ sở đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Về việc xin cấp chứng nhận chủng loại gạo, dự thảo Nghị định quy định: các tổ chức, cá nhân - tức đối tượng được áp dụng - có nhu cầu, thực hiện nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hay qua môi trường mạng đến bộ phận một cửa Cục trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiêp và Phát triển nông thôn.
Đối với việc nộp phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính, các tổ chức, cá nhân nộp theo quy định hiện hành trực tiếp tại cơ quan giải quyết thủ tục hành chính hoặc bằng hình thức chuyển khoản hay qua dịch vụ khác theo quy định.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng quy định việc cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận chủng loại gạo.
Liên quan đến nội dung này, trên website Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) thuộc Bộ Công Thương "quy định của EU về quản lý và phân bổ hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng gạo trong khuôn khổ EVFTA" ở phần quy định khác cho biết, các lô hàng gạo thơm khi xuất khẩu vào thị trường EU, để được hưởng thuế suất 0% theo hạn ngạch, phải có giấy chứng nhận đúng chủng loại (authenticity certificate) được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam (cụ thể là Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như dự thảo có nêu - PV).
Như đã nêu ở trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thực hiện lấy ý kiến để trình Chính phủ thông qua Nghị định hướng dẫn quy trình đăng ký chứng nhận chủng loại gạo xuất khẩu vào EU để hưởng ưu đãi hạn ngạch.
Đối với mặt hàng gạo, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo, bao gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, tức về 0% sau 5 năm EVFTA có hiệu lực; đối với sản phẩm từ gạo, EU cho Việt Nam được hưởng thuế suất 0% sau 3 đến 5 năm. |
Trung Chánh (TBKTSG Online)