Đa dạng thị trường xuất khẩu gạo – tigifood
Giỏ hàng

Đa dạng thị trường xuất khẩu gạo

ĐBSCL đang bước vào thu hoạch lúa đông xuân, song tình hình xuất khẩu gạo chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi thị trường Trung Quốc, trước diễn biến dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (Covid-19) gây ra. Trong bối cảnh đó, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo được xem là giải pháp cấp bách cho hạt gạo Việt Nam.

“Hậu Giang có khoảng 1.000ha lúa đông xuân bị ảnh hưởng mặn nhưng thiệt hại không đáng kể. Hiện nông dân đã thu hoạch hàng trăm hécta lúa đông xuân sớm, năng suất khá cao trên 7,7 tấn/ha. Tuy nhiên, giá lúa hiện nay có giảm nhẹ so với đầu vụ”, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết. 

Đa dạng thị trường xuất khẩu gạo ảnh 1Thu hoạch lúa đông xuân sớm ở ĐBSCL
Ông Nguyễn Văn Út, ở huyện Vị Thủy (Hậu Giang), một trong những nông dân thu hoạch lúa đông xuân vào đầu tháng 2-2020, bán lúa tươi được giá 5.500 đồng/kg, đạt lợi nhuận gần 20 triệu đồng/ha; nay giá lúa đã thấp hơn nhiều.

“Hiện thương lái đặt cọc mua lúa đông xuân của nông dân ở đây với giá 4.700 - 4.800 đồng/kg, giảm gần 200 đồng/kg so với tuần rồi. Tuy nhiên, thương lái đặt cọc cũng ít hơn so với mọi năm”, ông Điền Văn Bảnh, nông dân huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho biết.

Đây cũng là nỗi lo chung của nhiều nông dân ĐBSCL khi bắt đầu vào vụ thu hoạch lúa đông xuân. Trong khi đó, hạn mặn sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến diện tích lúa đông xuân và hè thu tới đây. Chính vì vậy, các địa phương cần vận động, tuyên truyền để nông dân sử dụng các giống lúa thích nghi với hạn mặn, áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến để tiết kiệm nước trong mùa hạn.

Theo Bộ Công thương, năm 2019, Việt Nam xuất khẩu sang Philippines trên 2 triệu tấn gạo, dự kiến năm 2020, nước này sẽ mua lượng gạo bằng hoặc cao hơn. Thị trường châu Phi mua khoảng 1 triệu tấn gạo/năm, Malaysia sẽ nhập khẩu khoảng 500.000 tấn/năm… Đây là những thị trường mà doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế cạnh tranh cao hơn Thái Lan về giá cả.

“Ngay trong đầu năm 2020, doanh nghiệp chúng tôi đã ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu vào thị trường Malaysia, Philippines, Đức… với tổng giá trị gần 50 triệu USD. Hiện doanh nghiệp chúng tôi đang thu mua lúa gạo của nông dân để tập trung giao cho khách hàng”, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Trung An, nói.

Năm 2019 khép lại, ngành hàng lúa gạo Việt Nam tạo được nhiều ấn tượng khi xuất khẩu trên 6,3 triệu tấn, trị giá 2,7 tỷ USD. Điểm nhấn quan trọng là gạo ST25 được bình chọn là gạo ngon nhất thế giới.

“Cơn sốt” gạo ngon nhất thế giới ST25 đã thổi luồng gió mới vào thị trường lúa gạo trong và ngoài nước. Diễn biến Covid-19 chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam, nhưng tác động sẽ không lớn, vì số lượng xuất khẩu vào Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 400.000 tấn (chỉ khoảng 7% lượng gạo xuất khẩu). 

Có một tín hiệu lạc quan của xuất khẩu gạo Việt Nam trong vài năm gần đây là tỷ lệ gạo thơm, đặc sản, chất lượng cao của Việt Nam chiếm trên 80% số lượng xuất khẩu. Nhiều viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hiện đang tập trung nghiên cứu, lai tạo các giống lúa chất lượng cao theo nhu cầu của thị trường.

Theo PGS-TS Dương Văn Chín, Chủ tịch Hội đồng khoa học Tập đoàn Lộc Trời, trong số các giống lúa mới triển vọng được Viện Lúa ĐBSCL giới thiệu mới đây thì giống lúa OM8 và OM9 được đánh giá cao với hạt gạo trong, đẹp, cơm trắng, thơm đậm. Đây là 2 giống lúa có thể xếp cùng với giống lúa Lộc Trời 28 và ST 24 để hình thành nên nhóm giống đặc sản của Việt Nam có giá trị xuất khẩu hơn 1.000USD/tấn, thay vì chỉ là vài trăm USD/tấn như hiện nay.

Đây là nền tảng quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa các phân khúc xuất khẩu gạo thơm, chất lượng cao vào các thị trường truyền thống và thị trường khó tính.

CAO PHONG (theo SGGP)