Gạo trên đà giảm giá
02/08/19
Tại thị trường trong nước, xuất khẩu lúa gạo giảm mạnh khiến giá lúa trong nước giảm thấp, các cơ quan thống kê, phát triển thị trường và nghiên cứu thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhận định trong báo cáo mới nhất.
Theo các cơ quan này, giá lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giảm trong tháng Sáu, do nhu cầu nhập khẩu hạn chế cùng với khả năng nguồn cung vụ hè thu chất lượng không cao
Theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, tại Vĩnh Long, lúa IR50404 vụ Hè Thu giảm 150 đồng/kg xuống còn 4.050 đồng/kg; gạo IR50404 ở mức 12.000 đồng/kg; gạo jasmine ở mức 14.000 đồng/kg.
Tại An Giang, gạo IR50404 không đổi ở mức 10.000 – 11.000 đồng/kg; gạo chất lượng cao ở mức 13.000 đồng/kg; gạo thơm đặc sản jasmine ở mức 13.500 đồng/kg.
Thế nhưng, tại Kiên Giang, lúa IR50404 giảm 600 đồng/kg xuống còn 4.900 đồng/kg; lúa OM 4218 giảm 200 đồng/kg xuống còn 5.400 – 5.600 đồng/kg; lúa OM 6976 ở mức 5.500 – 5.600 đồng/kg; lúa Jasmine giảm 200 đồng/kg xuống 5.900 – 6.000 đồng/kg.
Do vậy, trong 6 tháng đầu năm, giá lúa, gạo trong nước diễn biến tăng đối với lúa Đông Xuân và giảm đối với lúa Hè Thu. Cụ thể, lúa thường tại An Giang, Vĩnh Long tăng 300 – 500 đ/kg trong vụ Đông Xuân, và giảm 150 đ/kg với vụ Hè Thu đang thu hoạch.
Dự báo giá lúa, gạo trong nước tiếp tục giảm do nhu cầu tiêu thụ yếu, chất lượng lúa hè thu kém nên không thu hút khách hàng.
Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 6 năm 2019 ước đạt 625 nghìn tấn với giá trị đạt 275 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 3,39 triệu tấn và 1,46 tỷ USD, giảm 2,8% về khối lượng và giảm 19% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Tính trong 5 tháng đầu năm, Philippin đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 35,7% thị phần, với giá trị 423,3 triệu USD và khối lượng 1,06 triệu tấn, gấp 4 lần về khối lượng và gấp 3,4 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Ảnh: Tinnhanhchungkhoan.vn
Kế đến, Angola gấp 4,3 lần; Hồng Kông tăng 64,5%; Bờ Biển Ngà tăng 61,2%, Ả rập xê út tăng 53,9% và Nga tăng 40,8%. Giá gạo xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2019 đạt 429 USD/tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2018.
Về chủng loại xuất khẩu, trong 5 tháng đầu năm 2019, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 52,1% tổng kim ngạch; gạo Jasmine và gạo thơm chiếm 32,3%; gạo nếp chiếm 8,7% và gạo Japonica, gạo giống Nhật chiếm 6,3%.
Các thị trường xuất khẩu gạo trắng lớn nhất của Việt Nam là Phillipines chiếm 53,8%, Malaysia chiếm 15,1%, Cuba chiếm 13%. Với gạo Jasmine và gạo thơm, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Bờ Biển Ngà chiếm 19,2% và Phillipines là 16,5%.
Riêng với gạo nếp, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm 47,8%. Kế đến là Phillipines với 22,4%. Với gạo Japonica và gạo giống Nhật Bản, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Singapore chiếm 35,5% và Ai Cập chiếm 14%.
Theo các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những tháng đầu năm 2019 gặp khó khăn về thị trường, đặc biệt là tại các thị trường lớn, truyền thống như Trung Quốc, Indonesia, Bangladesh. Nguyên nhân là tồn kho gạo từ vụ cũ ghi nhận ở mức cao tại Trung Quốc, năm bầu cử ở Indonesia.
Trong khi đó, Bangladesh đã lên kế hoạch xuất khẩu gạo trong năm nay, thay vì chỉ khôi phục sản xuất sau lũ lụt vào 2017. Ngoài ra, các quốc gia như Myanmar, Campuchia, Pakistan đều nỗ lực gia tăng sản lượng gạo xuất khẩu. Trong khi đó, Trung Quốc không chỉ là nước nhập khẩu gạo lớn nhất mà còn đang dần trở thành một nước xuất khẩu lớn.
Trong dự báo tháng 6 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo năm 2018 - 2019 ước đạt 499,1 triệu tấn, tăng nhẹ so với mức 494,9 triệu tấn của năm 2017 - 2018. Do đó, dự báo giá gạo thế giới trong thời gian tới vẫn tiếp tục giảm so với cùng kì năm ngoái.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo giá gạo có thể tiếp tục xuống thấp trong tháng tới, do chưa có nhiều hợp đồng xuất khẩu mới được ký kết. Bộ khuyến cáo: Các doanh nghiệp cần chủ động dự trữ gạo cho thời điểm cuối năm khi giá gạo dự báo có thể tăng trở lại.
Vân Nguyễn (Nhịp cầu đầu tư)