Gạo Việt chuyển mình
05/03/20
Gạo Việt đang lên ngôi trong vòng hai tháng đầu năm 2020. Giá gạo đã tăng đến mức 380 USD/tấn, cao hơn gạo đồng phẩm chất của các nước xuất khẩu khác, lại đúng vào mùa gặt bội thu của ĐBSCL.
Phải chăng do mấy giống lúa ST được vinh danh quốc tế cũng như các giống lúa ngon cơm khác như OM5451, OM4900, Nàng Hoa, Đài Thơm, Jasmine... do nông dân trồng với quy trình nông nghiệp sạch, an toàn được khách hàng ưa chuộng?
Thực ra lúa của chúng ta gặp mùa thời tiết thuận lợi trong vùng có nước ngọt an toàn đầy đủ của miền Tây (ngoại trừ 2% diện tích vùng nhiễm mặn bị thất mùa) nên trên 1,5 triệu ha lúa đều trúng mùa. Trong khi đó Thái Lan, Ấn Độ và Philippines bị khô hạn không đủ nước tưới. Thái Lan thì không thể xuất nhiều gạo trắng và gạo thơm vì thất mùa và vì đồng tiền Thái (baht) quá mạnh nên khi tính giá xuất khẩu bằng USD thì cao quá, rất khó bán. Philippines, dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Nông nghiệp mới, đã cố gắng hết sức nhưng vẫn chưa đạt đủ sản lượng lúa nên phải nhập gạo ngon từ Việt Nam với giá cao. Malaysia thì luôn luôn phải nhập thêm gạo vì họ không chủ trương tự túc lương thực, để dành đất trồng hoa màu giá trị cao hơn lúa. Trong khi đó, lượng gạo phẩm chất thấp trong kho dự trữ của Trung Quốc cũng vơi bớt, và họ cũng muốn ăn gạo ngon hơn, phải nhập thêm từ Việt Nam, Myanmar và một ít từ Campuchia.
Trong bối cảnh đó, hạt gạo Việt sẽ thừa thắng xông lên với các giống lúa có gạo ngon, năng suất cao (trên 5 tấn/ha), chu kỳ ngắn có thể trồng 2 - 3 vụ/năm, lợi thế hơn lúa ngon và thơm của Thái, Campuchia và Myanmar vì giống lúa của họ vừa dài ngày (chỉ trồng 1 vụ/năm) và vừa năng suất thấp (dưới 3 tấn/ha). Đồng thời chúng ta được hưởng ưu đãi bởi các hiệp định thương mại tự do nhất là với EU. Tuy nhiên nếu không khéo thực hiện thì gạo Việt sẽ không đạt thị trường như dự kiến. Bởi các nước đều có kế hoạch rất lớn cho hạt gạo của họ. Chính phủ Thái Lan đang dành ngân sách “bảo trợ” giá lúa cho nông dân nước này và tài trợ làm đất, phân bón cho những nông dân chịu vào các hợp tác xã nhằm được diện tích lớn để giảm giá thành sản xuất và đạt chất lượng cao an toàn. Chính phủ Philippines đã duyệt kế hoạch giao kinh phí cho Bộ Nông nghiệp tài trợ cho nông hộ về các dịch vụ làm đất và thủy lợi cùng tặng hạt giống lúa xác nhận, để bảo đảm đạt năng suất cao và giá thành thấp. Họ sẽ nhất định đạt sản lượng để không cần phải nhập khẩu gạo, nếu gạo của Việt Nam đắt tiền hơn gạo họ trồng.
Một nỗi lo nữa là đối với thị trường EU, tuy Việt Nam sẽ hưởng chế độ tối huệ quốc, nhưng nếu gạo của Việt Nam có chứa dư lượng bất cứ hóa chất bảo vệ thực vật nào, hoặc gạo không rõ nguồn gốc xuất xứ của Việt Nam (nhất là nếu lấy gạo Campuchia ghi “Made in Vietnam”), thì sẽ không được khách hàng EU chấp nhận.
Đã đến lúc nông dân trồng lúa của nước ta phải đổi mới hơn nữa trong nghề trồng lúa của mình. Ngoài việc chọn giống lúa ngon, năng suất cao, bà con nông dân cần áp dụng phân bón sinh học và hữu cơ, với chỉ một lượng nhỏ phân hóa học mà thôi. Cần hợp lực trên vùng đất dồn điền đổi thửa với nhau, liên kết với doanh nghiệp có đầu ra ổn định và có công nghiệp chế biến hiện đại để bảo đảm có sản phẩm xuất khẩu thật tốt đúng theo nhu cầu của khách hàng: ngon, an toàn vệ sinh thực phẩm và giá thành tương đối cạnh tranh. Liên kết được như thế, cả nông dân và doanh nghiệp đều thành công lâu bền, đời sống nông dân sẽ không còn cơ cực, lợi tức ngày càng tăng.
Võ Tòng Xuân (thanhnien.vn)