Gạo Việt Nam tìm cơ hội trong khó khăn – tigifood
Giỏ hàng

Gạo Việt Nam tìm cơ hội trong khó khăn

Gạo Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc sụt giảm mạnh trong 8 tháng đầu năm 2019. Đây là một thách thức nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu.

Tại hội thảo "Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo năm 2019" do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức mới đây ở TP Cần Thơ, nhiều chuyên gia kinh tế đã nêu thẳng những khó khăn chồng chất của thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam. Nếu không sớm tìm cách đổi mới, nâng chất lượng sản xuất, tình hình xuất khẩu sẽ ngày càng ảm đạm.

Sản lượng giảm, trị giá thấp

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết: "Trong 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo đạt 5,4 triệu tấn (tăng 0,1% so với cùng kỳ) nhưng trị giá chỉ đạt 1,96 tỉ USD (giảm 15%). Nếu như Trung Quốc trong nhiều năm trước là nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam thì năm nay xuất khẩu gạo sang thị trường này giảm đến 65%".

Theo ông Hải, trong năm 2018, giá trung bình xuất khẩu gạo là hơn 500 USD/tấn nhưng bước sang năm 2019, do khó khăn về thị trường, giá lại giảm. Như thị trường Trung Quốc, do trước nay chỉ xuất khẩu tiểu ngạch nhưng từ năm 2018 đến nay, nước này đã siết chặt việc xuất khẩu qua biên mậu, cũng như tăng quản lý về chất lượng, truy xuất nguồn gốc nên đây không còn là thị trường dễ tính. "Thị trường Trung Quốc cũng áp dụng hạn ngạch nhập khẩu năm nay khoảng 5 triệu tấn gạo nhưng thực tế họ chỉ nhập khoảng 3,3 triệu tấn" - ông Hải lo ngại.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thông tin bên cạnh giảm số lượng, các nước nhập khẩu cũng đưa ra nhiều rào cản, ngân hàng hạn chế cho vay, việc mở rộng thị trường khác như châu Phi, châu Mỹ vẫn còn khó khăn là thách thức của ngành hàng lúa gạo trong năm nay. Nhưng bù lại, Philippines thay đổi chính sách tự do hóa thị trường đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam không bị lệ thuộc vào hạn ngạch, hoàn toàn dựa vào năng lực cạnh tranh với các nước xuất khẩu gạo khác là Thái Lan và Campuchia.

Xuất khẩu gạo gặp khó khăn nhưng là cơ hội để nông dân và doanh nghiệp cơ cấu lại chủng loại xuất khẩu Ảnh: Ngọc Trinh


Tình hình xuất khẩu như trên tác động ngay đến những người nông dân trồng lúa. Ông Lê Văn Lam (ngụ xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) cho biết trong năm 2018, ông dùng hơn 6 ha đất để trồng lúa sạch với hy vọng được giá cao để từng bước xây dựng thương hiệu gạo ở vùng Đồng Tháp Mười. Tuy nhiên, sau khi thu hoạch vụ mùa đầu tiên thì ông Lam bị lỗ nặng do sâu bệnh tấn công, năng suất thấp và giá lúa bán ra cũng không được như ý. Hơn nữa, muốn duy trì được mô hình này thì nông dân phải có nhiều vốn cũng như được hỗ trợ về mặt kỹ thuật. Do đó, kể từ đầu năm đến nay, lão nông này quay trở lại sản xuất lúa kiểu cũ nhưng giá lúa phụ thuộc vào thương lái nên rất bất an.

Anh Lý Văn Phong (ngụ xã Huyền Hội, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) than thở rằng năm nay giá lúa bấp bênh ngay từ đầu vụ đông xuân. "Đến vụ hè thu, giá lúa cũng không nhích lên bao nhiêu. Tôi vừa bán 8 công lúa IR 50404 tại ruộng với giá chỉ 4.300 đồng/kg, thấp hơn 300 đồng/kg so với tháng trước. Nghe nói năm nay thị trường xuất khẩu khó khăn nên giá lúa không nhích lên nổi" - anh Phong nói.

Cơ cấu lại chủng loại

Nhận thấy lúa IR 50404 từ lâu cho thu nhập nhấp, 2 vụ vừa qua, ông Nguyễn Công Lý (xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) đã chuyển 10 ha ruộng từ trồng lúa chất lượng thấp sang trồng lúa nàng hoa. Theo lời ông, loại lúa thơm này rất dễ bán, không chỉ được thị trường xuất khẩu ưa chuộng mà thị trường nội địa cũng tiêu thụ mạnh. Lúa nàng hoa được thương lái mua từ 5.300 đồng/kg trở lên. Gạo này khi nấu cơm có mùi thơm đặc trưng, ngọt, dẻo, để nguội cơm vẫn mềm nên nhiều người rất thích.

Từ năm 2013, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ đã khuyến cáo nông dân sử dụng giống chất lượng cao như OM 4218, OM 5451, Jasmine 85… Giống được sử dụng có nguồn gốc từ các viện, trường hoặc từ cơ sở sản xuất giống có đăng ký sản xuất kinh doanh giống. Theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, đến nay tỉ lệ sử dụng giống chất lượng cao ở địa phương này chiếm trên 80% diện tích.

Ông Trần Thanh Hải cho rằng giải pháp về lâu dài cần phải đa dạng hóa thị trường nhưng trong thời điểm hiện nay, Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng. "Doanh nghiệp phải tự nâng cao chất lượng để đáp ứng không chỉ thị trường Trung Quốc mà còn nhiều thị trường khác. Gạo phải đồng đều chất lượng, truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm. Để đáp ứng được những yêu cầu đó, doanh nghiệp phải giám sát từ quá trình sản xuất lúa đến thu hoạch, phải biết lúa đó thu mua từ cánh đồng nào, địa phương nào?" - ông Hải lưu ý.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, vào năm 2015, cơ cấu chủng loại xuất khẩu gạo của nước ta lần lượt gồm: gạo trắng cấp thấp và trung bình (chiếm 30,8%), gạo trắng phẩm cấp cao (27,8%), gạo thơm (22,7%), gạo nếp (7,1%), sản phẩm khác (11,6%). Sang năm 2019, đã có sự thay đổi, trong đó gạo trắng phẩm cấp cao (chiếm 40%), gạo thơm, đặc sản, japonica (30%), sản phẩm khác (30%). "Tuy năm 2019, xuất khẩu gạo có nhiều khó khăn nhưng cũng gặt hái quan trọng. Trước đây, gạo chất lượng thấp (IR) chiếm thị trường lớn, đa phần xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhưng cuối năm 2018 và đầu năm nay, khi thị trường Trung Quốc gần như "đóng băng" thì xuất khẩu gạo giống OM (phẩm cấp cao) sang thị trường khác vượt trội hơn IR, đã có sự dịch chuyển cơ cấu chủng loại xuất khẩu" - ông Phạm Quang Diệu, kinh tế trưởng của Công ty CP Phân tích và Dự báo thị trường Việt Nam (AgroMonitor), nói.

TS Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng trong chiến lược phát triển lúa gạo mà Chính phủ đã đề ra, gần đây có chuyển biến tích cực. Nếu như vào năm 2015, lúa thơm đặc sản chiếm diện tích rất ít trong tổng diện tích sản xuất lúa toàn vùng ĐBSCL thì hiện nay, đã chiếm 30%. 

Phải duy trì cánh đồng lớn

Ông Trần Thanh Hải cho biết cánh đồng lớn là chủ trương đúng đắn nhưng trong khâu triển khai gặp một số khó khăn ở vấn đề lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân. "Xu hướng cánh đồng lớn phải duy trì và hình thành trong tương lai. Nước ta đang trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì không thể thiếu cánh đồng lớn nhưng với tập quán lâu đời canh tác nhỏ lẻ, sở hữu cá thể thì không thể chuyển biến ngày một ngày hai. Điều này cần sự quyết tâm của doanh nghiệp, nông dân và sự hỗ trợ của nhà nước thông qua cơ chế, nhất là về sở hữu thì cánh đồng lớn mới tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới" - ông Hải khẳng định.

Ca Linh - Thốt Nốt (Báo NLĐ)