Giá lúa gạo tăng đột biến, thương lái tới tận ruộng đặt cọc
Tín hiệu tích cực ngay trong 2 tháng đầu năm 2020 cho thấy, gạo Việt hoàn toàn có thể lấy lại vị trí thứ hai về xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Đáng chú ý, do giá gạo xuất khẩu tăng đột biến nên đã đẩy giá lúa gạo tại thị trường trong nước tăng lên.
Giảm phụ thuộc Trung Quốc, giá gạo tăng
Ngay khi dịch Covid-19 có dấu hiệu tăng vọt ở Vũ Hán (Trung Quốc), các cánh cửa biên giới đưa hàng nông sản Việt sang thị trường xuất khẩu (XK) lớn nhất bị kiểm soát gắt gao hơn để phục vụ công tác phòng chống dịch, thậm chí các cặp chợ biên giới buộc phải đóng cửa, nhiều loại trái cây xuất sang Trung Quốc phải chịu cảnh ùn ứ ở cửa khẩu.
Khi đó, tại một cuộc họp bàn giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc do Bộ NNPTNT tổ chức, đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã khẳng định: Mặt hàng gạo không chịu ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid - 19.
Điều này cũng có thể thấy rất rõ khi 2 tháng đầu năm 2020, gạo là một trong số ít mặt hàng nông sản vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng XK. Theo đó, XK gạo trong 2 tháng đầu năm 2020 đạt 890.000 tấn (tăng 27,0% so với cùng kỳ năm 2019), giá trị XK đạt 410 triệu USD (tăng 32,6%). Cá biệt, gạo IR 50404 loại 5% tấm tăng từ 30-40 USD/tấn, nhưng không có gạo để bán.
Thu hoạch lúa đông xuân tại huyện Thới Lai (TP.Cần Thơ). (ảnh: Huỳnh Xây)
Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ông Đỗ Hà Nam cho hay dịch bệnh do virus corona bùng phát tại Trung Quốc không ảnh hưởng tới hoạt động XK gạo Việt Nam sang thị trường lớn nhất thế giới này. Bởi nhiều năm qua, số lượng XK gạo vào Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 7% lượng gạo XK (tương đương khoảng 400.000 tấn) nên về cơ bản sẽ không có ảnh hưởng nhiều.
Theo ông Nam, XK gạo Việt Nam mấy năm gần đây đã đa dạng hóa thị trường để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Ngoài việc giữ vững thị phần ở thị trường lớn nhất là Philippines, Việt Nam cũng tăng cường sản xuất gạo thơm để tiếp cận tới những thị trường mới như Hàn Quốc và châu Phi.
Đặc biệt, Việt Nam đang có lợi thế là sở hữu những giống lúa ngắn ngày, trồng cho thu hoạch nhanh, chất lượng gạo tốt. Thế nên, chúng ta có thể sản xuất 2-3 vụ/năm, dù có 10 triệu ha diện tích trồng lúa nhưng Thái Lan lại rất sợ lợi thế này của Việt Nam. Bởi giống lúa của họ là giống dài ngày, chỉ canh tác được 1 vụ, trong khi nước ta canh tác được 2-3 vụ”. GS-TS Võ Tòng Xuân |
Không những thế, sau một năm có vẻ trầm lắng, những hoạt động giao dịch vô cùng sôi nổi ngay từ đầu năm đã giúp giá gạo Việt Nam lập đỉnh, cao nhất trong vòng 1 năm trở lại đây.
Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên 380 USD/tấn, cao chưa từng thấy kể từ tháng 12/2018, những đơn hàng từ Philippines, Malaysia liên tục bay đến.
Giá gạo XK tăng đột biến cũng thúc đẩy giá lúa gạo tại thị trường trong nước tăng lên. Hiện, các doanh nghiệp trong vùng ĐBSCL mua lúa ướt tại ruộng với giá dao động 4.400-5.400 đồng/kg, cao hơn đầu vụ 300-500 đồng/kg; chỉ có giống lúa IR50404 tiêu thụ thị trường nội địa là giá thấp, khoảng 4.400 đồng/kg. Trong đó, giá lúa hạt dài cao hơn lúa thường 300-800 đồng/kg.
Giá lúa thu mua tại kho của doanh nghiệp 5.400-6.400 đồng/kg, cao hơn mức bán lúa tươi tại ruộng của nông dân bình quân 1.000 đồng/kg. Nhiều thương lái, doanh nghiệp đã đến tận ruộng của nông dân đặt cọc và ký hợp đồng bao tiêu lúa dài với giá 5.000-5.200 đồng/kg.
Cơ hội lấy lại “ngôi vương”
Theo báo cáo tổng quan ngành hàng lúa gạo tháng 1/2020 của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng gạo niên vụ 2019-2020 tại nhiều quốc gia sẽ giảm mạnh. Đặc biệt, Trung Quốc và Ấn Độ dự kiến sẽ sụt giảm sản lượng gạo lớn, dự kiến giảm 1,8 triệu tấn xuống còn 146,7 triệu tấn (Trung Quốc) và giảm 1,4 triệu tấn, xuống 115 triệu tấn (Ấn Độ) do diện tích giảm.
Đây là hai quốc gia sản xuất gạo lớn nhất thế giới, chiếm hơn một nửa sản lượng gạo toàn cầu. Tương tự, lượng gạo của Mỹ dự báo sẽ giảm gần 1,2 triệu tấn, chủ yếu do khu vực trồng lúa phía Nam có diện tích khai thác thấp.
Tiêu thụ gạo toàn cầu dự báo đạt kỷ lục 493,8 triệu tấn, chỉ giảm 0,2 triệu tấn so với dự báo tháng 11 nhưng cao hơn 1% so với một năm trước đó. Các kho dự trữ toàn cầu sẽ ở mức kỷ lục 177,8 triệu tấn, tăng 4,6 triệu tấn so với một năm trước trong niên vụ 2019-2020. Đáng chú ý, Việt Nam là một trong số ít những nước có thế mạnh sản xuất và XK gạo sản lượng dự báo tăng mạnh khi bước vào vụ thu hoạch lớn.
Mới đây, Chủ tịch Hiệp hội XK gạo Thái Lan Charoen Laothamatat cũng nhận định, năm nay, Việt Nam có thể “soán ngôi” Thái Lan về XK gạo trong bối cảnh thị trường đang cạnh tranh vô cùng gay gắt, chi phí sản xuất gạo của Thái Lan ngày càng cao, tỷ giá đồng bath biến động và hạn hán đang đe dọa. Được biết, năm 2020, Hiệp hội XK gạo Thái Lan chỉ đặt mục tiêu XK 7 triệu tấn, mức thấp nhất trong vòng 7 năm qua.
Nhiều ý kiến cho rằng, tham vọng lấy lại vị trí thứ hai trong bản đồ XK gạo thế giới của Việt Nam không phải không có cơ sở. Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định, năm 2020 XK gạo của Việt Nam có nhiều triển vọng do tác động tích cực của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới,...
GS-TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia trong ngành lúa gạo, nhận định, bức tranh XK gạo của nước ta năm nay dự báo sẽ tốt, tăng cả lượng và giá. Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, ngành nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Thời tiết thuận lợi sản lượng sẽ tăng và ngược lại.
Trong khi Thái Lan - nước XK gạo lớn thứ 2 thế giới - đang chịu thiệt hại lớn do hạn mặn, sản lượng gạo của nước này giảm gần 2 triệu tấn; Philippines, Indonesia đang thiếu gạo và phải nhập khẩu khối lượng rất lớn từ Việt Nam thì Việt Nam chỉ có khoảng 28.000 ha lúa bị ảnh hưởng. Thế nên, nguồn cung gạo của Việt Nam rất dồi dào, chưa kể hai vụ lúa trước đó của nước ta đều trúng mùa, sản lượng tăng mạnh.
“Đặc biệt, Việt Nam đang có lợi thế là sở hữu những giống lúa ngắn ngày, trồng cho thu hoạch nhanh, chất lượng gạo tốt. Thế nên, chúng ta có thể sản xuất 2-3 vụ/năm, dù có 10 triệu ha diện tích trồng lúa nhưng Thái Lan lại rất sợ lợi thế này của Việt Nam. Bởi giống lúa của họ là giống dài ngày, chỉ canh tác được 1 vụ, trong khi nước ta canh tác được 2-3 vụ”, ông Xuân nhấn mạnh.
Theo Anh Thơ (Dân Việt)