Giải bài toán nông nghiệp bền vững
Lần đầu tiên Việt Nam đoạt giải “Gạo ngon nhất thế giới” với ST 24 và ST 25. Bên cạnh niềm vui giải thưởng lớn này, còn gợi cho chúng ta nhiều bài toán về sản xuất, kinh doanh nông sản Việt Nam.
Thử nhìn vào bảng xếp hạng các sản phẩm xuất khẩu quan trọng của Việt Nam trên thị trường thế giới, ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận một khái niệm: xuất khẩu lớn mà giá cả thấp. Trong đó, tính về khối lượng thì: hạt điều bóc vỏ và hạt tiêu đen, Việt Nam hạng 1; cà phê xanh và sắn khô thì hạng 2; gạo hạng 3; cao su hạng 4; và chè hạng 5.
Lượng cao mà giá thấp
Toàn top 5 cả, nhưng hãy nghe kiểm điểm ngành xuất khẩu gạo: năm 2019 giá gạo thấp nhất trong 12 năm gần đây! Trong một cuộc họp báo gần đây về xuất khẩu gạo, bộ Nông nghiệp nhìn nhận, giá gạo xuất khẩu quý 3/2019 thấp nhất, tức là “chạm đáy” trong 12 năm (325 USD/tấn, trong khi giá gạo Thái khoảng 350 – 360 USD/tấn). Khối lượng gạo xuất khẩu chín tháng đầu năm ước đạt 5,2 triệu tấn và 2,24 tỷ USD, tăng 5,9% về khối lượng, nhưng giảm 9,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Philippines hiện đang đứng vị trí thứ 1 về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với hơn 36% thị phần. Cần nhớ là từ tháng 8/2019, Chính phủ Philippines tuyên bố sẽ tập trung mua gạo của các địa phương và hạn chế nhập khẩu.
Trong khi là top 5 về mặt hàng xuất khẩu, hầu hết hàng Việt Nam đều bán với giá thấp hơn các nước dẫn đầu khác, kể cả với những mặt hàng đặc chủng (như cà phê vối – robusta); hay mặt hàng dẫn đầu thị trường (là gạo 25% tấm); đồng thời, giá của các sản phẩm thay thế thì giá bán cũng thấp hơn, như cà phê, chè, gạo đồ hay gạo hương. Cà phê vối được xuất khẩu với giá thấp hơn một chút so với chỉ số LIFFE (giá quốc tế). Năm 2013, giá xuất khẩu chè trung bình của Việt Nam là 1.524 USD/tấn, thấp hơn khoảng 40% so với Ấn Độ (2.688 USD) và Kenya (2.799 USD). Cho đến cuối thập kỷ 2000, phần lớn gạo xuất khẩu của Việt Nam là gạo chất lượng trung bình và thấp, được bán với giá thấp nhất trên thị trường quốc tế, nhiều năm, chủ yếu bán cho chính phủ các nước khác, để phân phát trong các chương trình trợ cấp lương thực hoặc các nước nghèo. Trong vài năm gần đây, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã dịch chuyển dần sang chất lượng cao và đa dạng hoá, gồm cả các giống gạo thơm, nhưng hiện giá vẫn còn thấp hơn hàng cùng loại của các nước, như Thái Lan.
Đó là gạo, còn với cà phê, nghiên cứu của WB đưa ra mấy điểm yếu: lấy đất trồng cà phê khiến xảy ra tàn phá rừng, hay trồng trên đất không phù hợp, tưới và khai thác quá nhiều nước ngầm, đồng thời dùng quá nhiều phân bón và thuốc trừ sâu.
Đối với sản phẩm cá tra xuất khẩu, cũng không tránh khỏi tình trạng cung vượt cầu. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản ở Việt Nam tăng mạnh trong những năm 1990 đến giữa những năm 2000, và sau đó giữ ở mức ổn định là 1 triệu hecta. Quá trình tập trung hoá diễn ra trong ngành thuỷ sản và tập trung nhất là sản xuất cá tra. Vào giữa và cuối thập kỷ 2000, có hàng chục ngàn hộ sản xuất cá tra, phát sinh các vấn đề về quản lý chất lượng nguồn nước, quản lý dịch bệnh, rồi giá thức ăn cao, đã làm cho nhiều hộ sản xuất nhỏ phải ngừng sản xuất, một số cho các doanh nghiệp khác thuê đất, thuê đầm nuôi. Cạnh tranh riêng trong ngành này đã xuất hiện thương lái Trung Quốc len lỏi khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mua phụ liệu, cũng đem đến hiệu ứng tích cực riêng cho ngành này là số các doanh nghiệp chế biến, hợp nhất theo chiều dọc tăng nhanh lên đến 70% sản lượng cá tra (trước đây 5 năm con số này mới là 10%).
Đánh giá chung về hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam, có ba điểm được nhấn mạnh: giá thấp, không có thương hiệu (dẫn tới người tiêu dùng quốc tế không biết đến sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam) và kém về chế biến, chủ yếu xuất dạng thô. Và còn một nhận xét nữa: sản phẩm không thân thiện với môi trường. Làm ăn với Việt Nam, các doanh nhân nước ngoài thường nêu bốn điều lo ngại: không đảm bảo an toàn và chất lượng không ổn định; không hoàn thành hợp đồng đúng hạn; có những vấn đề về môi trường và giá rất phức tạp, do chính các nhà xuất khẩu Việt Nam cạnh tranh nhau, đi đêm dìm giá nhau với các nhà nhập khẩu quốc tế.
Một vấn đề nổi cộm, hiện nay đã trở thành vấn nạn lớn là thâm dụng hoá chất, trong đó nhiều phần là độc tố khi sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc tăng trọng hay bảo quản. Từ đó dẫn đến rất nhiều vấn nạn về an toàn thực phẩm. Luật An toàn thực phẩm mới đã ra đời năm 2010, đưa ra khái niệm kiểm soát dựa trên rủi ro.
Bền vững từ đâu?
Qua tình hình sử dụng đất, nước, vật tư (phân – thuốc) đều vượt quá mức cần thiết, thì vấn đề đầu tiên của sản xuất kinh doanh nông sản Việt là giảm sử dụng đầu vào và tìm cách tăng giá trị của đầu ra.
Cần thay đổi cơ bản hình ảnh kém thân thiện của nông sản Việt Nam với môi trường. Và giải pháp đầu tiên chính là làm theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Các biện pháp giám sát quy trình canh tác, tiêu chuẩn bền vững, quản lý tài nguyên thiên nhiên, quản lý chất thải, tiết kiệm năng lượng cần tiến hành thường xuyên. Xử lý chất thải nông nghiệp là điều mà ta có thể tính ngay, đưa vào sản xuất năng lượng, làm thức ăn gia súc, phân bón và các mục đích khác. Bảo vệ môi trường cũng là bảo vệcảnh quan và thúc đẩy du lịch sinh thái.
Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào công tác bảo vệ môi trường. Trên thực tế, điều này có thể thực hiện được thông qua tăng cường năng lực và hạ tầng nhằm theo dõi, học tập và thực hành theo cách mới, đầu tư vào các khâu từ phòng thí nghiệm tới thu thập số liệu, tập huấn nghiệp vụ về tiêu chuẩn kỹ thuật và kỹ năng kết nối.
Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị nông nghiệp sẽ mang lại những thay đổi đáng kể. Ví dụ, các yếu tố thị trường, môi trường… sẽ góp phần làm cho khoảng 1/3 đất trồng lúa hiện nay chuyển sang các mục đích nông nghiệp khác, hoặc chuyển làm dịch vụ sinh thái. Diện tích đất trồng lúa bị nhiễm mặn sẽ được chuyển đổi sang nuôi trồng các giống thuỷ sản đa dạng hơn. Phần lớn đất trồng lúa ở ven đô hiện nay sẽ chuyển sang trồng rau và cây cảnh. Đất trồng lúa ven biển hoặc gần các khu nhạy cảm về sinh thái sẽ giữ vai trò quan trọng hơn trong việc duy trì hoặc tái tạo đa dang sinh học, hỗ trợ du lịch sinh thái. Chuỗi giá trị lúa gạo và các nông sản khác cần được tổ chức tốt hơn, tạo liên kết chặt chẽ giữa các tổ nhóm nông dân với cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm thị trường nội địa hay xuất khẩu.
Tóm lại, chú trọng những yếu tố về thị trường, công nghệ và tích cực giảm việc sử dụng lãng phí nguồn lực đầu vào và tăng chế biến, bảo quản, nhất là tăng chú ý đến tiêu chuẩn, chất lượng, sẽ giúp giải quyết được nhu cầu phát triển bền vững của nông nghiệp.
Kim Hạnh (theo TGHN)