Hình ảnh và Thương hiệu quốc gia Việt Nam ngày càng vững mạnh – tigifood
Giỏ hàng

Hình ảnh và Thương hiệu quốc gia Việt Nam ngày càng vững mạnh

Mới đây, Chương trình Thương hiệu quốc gia đã có Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ cho giai đoạn 2020 – 2030. Để có thông tin, định hướng của Chương trình thương hiệu quốc gia trong giai đoạn tới, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương).

Là cơ quan trực tiếp xây dựng Chương trình Thương hiệu quốc gia tại Việt Nam, theo ông, đâu là những điểm mạnh gia tăng giá trị của thương hiệu Việt?

Trong quá trình hội nhập, từ rất sớm, Chính phủ đã quan tâm đến vai trò của thương hiệu. Vì vậy, từ năm 2003, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia (THQG). Đây là Chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ về xây dựng, phát triển THQG thông qua giới thiệu, quảng bá các thương hiệu sản phẩm uy tín, chất lượng của Việt Nam.

hinh anh va thuong hieu quoc gia viet nam ngay cang vung manh
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương)

Trong hơn 15 năm qua, Chương trình đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu; tôn vinh các thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp tiêu biểu đại diện cho THQG Việt Nam và hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực kinh doanh, phát triển thương hiệu. Số lượng các doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG tăng dần qua các thời kỳ, từ con số 30 doanh nghiệp năm 2008, đến năm 2018 đã tăng hơn gấp 3 lần, lên tới 97 doanh nghiệp. Mặc dù số lượng 97 doanh nghiệp đạt THQG năm 2018 còn khiêm tốn trong tổng số trên 700 nghìn doanh nghiệp trên cả nước hiện nay, tuy nhiên nếu xét về mức độ tăng dần về số lượng các doanh nghiệp đạt THQG qua từng kỳ, chúng ta có thể thấy được sự tiến bộ về năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam, sự quan tâm ngày càng cao của doanh nghiệp đối với Chương trình cũng như uy tín của Chương trình đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Nếu như đầu những năm 2000, thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam chưa được xuất hiện trong bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế thì đến năm 2019, theo bảng xếp hạng của Forbes Việt Nam, tổng giá trị của 50 thương hiệu hàng đầu đạt trên 9,3 tỷ USD, trong đó 50% doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG như Thaco, Hòa Phát, Vinamilk, Habeco, Vietcombank, Vietnam Airlines, Cadivi, Viglacera, Saigontourist…

hinh anh va thuong hieu quoc gia viet nam ngay cang vung manh
THQG là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ về xây dựng, phát triển THQG thông qua giới thiệu, quảng bá các thương hiệu sản phẩm uy tín, chất lượng của Việt Nam

Tôi xin vui mừng công bố thông tin mới nhất từ Brand Finance (tổ chức tư vấn hàng đầu về định giá thương hiệu quốc gia có trụ sở tại Vương quốc Anh và có văn phòng ở 20 quốc gia trên thế giới), trong bảng xếp hạng 100 THQG giá trị nhất thế giới năm 2019, THQG Việt Nam được định giá 247 tỷ USD (tăng 12 tỷ USD, 5,4% so với con số 235 tỷ USD năm 2018) và xếp hạng thứ 42. Trong giai đoạn 3 năm qua, thứ hạng của THQG Việt Nam liên tục được cải thiện, tăng 8 bậc và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh nhờ nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ, trong đó có sự đóng góp đáng kể của Chương trình THQG Việt Nam (Vietnam Value).

Brand Finance được thành lập từ năm 1996, có trụ sở tại London, Vương quốc Anh và có văn phòng ở trên 20 quốc gia. Đây là một trong những tổ chức tư vấn hàng đầu về định giá thương hiệu và chiến lược thương hiệu. Brand Finance cũng là tổ chức thực hiện định giá THQG. Kết quả định giá thương hiệu của Brand Finance được các tập đoàn hàng đầu về tài chính trên thế giới sử dụng.
Mới đây Chương trình THQG đã có Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ cho giai đoạn mới. Điều này có ý nghĩa gì?

Tuy đạt được những kết quả như nêu trên nhưng trong thời gian qua Chương trình THQG Việt Nam cũng có những hạn chế nhất định về: Cơ chế, chính sách, công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương, nguồn lực, nhận thức về ý nghĩa và vai trò của thương hiệu.

hinh anh va thuong hieu quoc gia viet nam ngay cang vung manh
Chương trình THQG giai đoạn tới sẽ gắn với giá trị tích cực, nổi trội của thương hiệu sản phẩm

Trong giai đoạn mới, để tăng cường hỗ trợ có hiệu quả cho doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng và để giải quyết dứt điểm những hạn chế nêu trên, Bộ Công Thương đã chủ động tham mưu cho Chính phủ xây dựng, bổ sung các quy định pháp lý hỗ trợ hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu. Đặc biệt, Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg ban hành Quy chế xây dựng, quản lý, thực hiện Chương trình THQG Việt Nam và Quyết định số 1320/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình THQG Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030 đã tạo cơ chế, chính sách cho hoạt động này.

Quy chế xây dựng, quản lý, thực hiện Chương trình trong giai đoạn mới đã nêu rõ các nội dung, hoạt động cụ thể của Chương trình. Quy chế mới có sự phân tầng, định hướng rõ nhóm đối tượng hưởng lợi của Chương trình và nhóm nội dung hỗ trợ tương ứng; Bổ sung các hoạt động hỗ trợ nâng cao nhận thức của xã hội về ý nghĩa, vai trò của thương hiệu trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư, nâng cao năng lực xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu.

Các Bộ, ngành trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ của mình, tổng hợp nhu cầu của các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp để đề xuất, xây dựng và phối hợp thực hiện các đề án theo nội dung của chương trình. Như vậy, việc xây dựng, bảo vệ, quảng bá THQG sẽ có sự chung tay, phối hợp cùng thực hiện của các Bộ, ngành, của cả cộng đồng xã hội. Quy chế mới được Thủ tướng Chính phủ ban hành đã quy định cơ chế cho sự phối hợp giữa cơ quan chủ trì và các Bộ ngành, địa phương, tổ chức, hiệp hội trong việc triển khai thực hiện Chương trình, đảm bảo tính pháp lý cho một Chương trình mang tầm quốc gia.

Bên cạnh đó, việc xét chọn sản phẩm đạt THQG hai năm một lần cũng sẽ được thực hiện theo trình tự chặt chẽ quy định tại Quy chế để đảm bảo tính pháp lý, công bằng, công khai, minh bạch cho hoạt động này. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan quản lý chặt chẽ, thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy chế và quy định của Chương trình THQG Việt Nam nhằm đảm bảo ngăn chặn những hành vi có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín, hình ảnh và THQG Việt Nam trong nước và nước ngoài; lợi dụng hình ảnh và THQG Việt Nam để trục lợi, vi phạm pháp luật.

Vậy xin ông cho biết định hướng thời gian tới của chương trình ra sao ạ?

Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030, tập trung xây dựng và phát triển Thương hiệu Việt Nam gắn với các giá trị tích cực, nổi trội của Thương hiệu sản phẩm với các mục tiêu cụ thể như sau:

- Thực hiện có hiệu quả Chương trình trên cơ sở thống nhất, đồng bộ với chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; kim ngạch xuất khẩu của nhóm sản phẩm đạt THQG Việt Nam đạt mức tăng cao hơn mức tăng bình quân cả nước;

- Góp phần tăng giá trị THQG Việt Nam bình quân 20% mỗi năm theo thống kê, đánh giá của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới;

- Trên 1.000 sản phẩm đạt THQG Việt Nam;

- Mỗi năm tăng 10% số lượng doanh nghiệp được vào danh sách doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới;

- 90% số lượng doanh nghiệp trên cả nước có nhận thức về vai trò của thương hiệu trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư;

- 100% sản phẩm đạt THQG Việt Nam được quảng bá trong nước và tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm.

Để hiện thực hóa các mục tiêu nói trên, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh các hoạt động: (i) Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu; (ii) Hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực xây dựng, quản trị và phát triển thương hiệu; (iii) Quảng bá, tuyên truyền về Chương trình THQG và các thương hiệu sản phẩm tiêu biểu của doanh nghiệp đại diện cho THQG Việt Nam và (iv) tăng cường hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong lĩnh vực xây dựng và phát triển thương hiệu.

hinh anh va thuong hieu quoc gia viet nam ngay cang vung manh
Chương trình Thương hiệu quốc gia triển khai nhiều hoạt động xây dựng, phát triển, nâng cao giá trị thương hiệu

Đặc biệt, dự kiến ngày 28 tháng 11 năm 2019, tại Tp. Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương sẽ ký thỏa thuận với Brand Finance về hợp tác trong lĩnh vực thương hiệu nhằm phối hợp triển khai các hoạt động đào tạo, nâng cao nhận thức về thương hiệu và các hoạt động quảng bá, truyền thông về thương hiệu quốc gia Việt Nam cũng như các doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG Việt Nam. Đồng thời, hai bên cũng sẽ lên kế hoạch cụ thể để hỗ trợ phát triển thương hiệu các ngành hàng có tiềm năng của Việt Nam như thực phẩm, dệt may, da giày, đồ gỗ…

Bộ Công Thương tin tưởng rằng khi những đổi mới trong chính sách của Chương trình THQG Việt Nam bắt đầu có hiệu lực từ 01 tháng 12 năm 2019 sẽ tạo ra những bước phát triển mới cho Chương trình, qua đó hình ảnh và THQG Việt Nam ngày càng vững mạnh, chiếm lĩnh vị trí cao trên thị trường quốc tế.

Nguyễn Quang (Công Thương)