Năm 2020, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 300 tỷ USD
Bộ Công Thương - cơ quan chủ trì quản lý Nhà nước được Chính phủ giao nhiệm vụ năm 2020, phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu (XK) cán mốc 300 tỷ USD và là năm thứ 5 liên tiếp Việt Nam xuất siêu.
Thông tin tại lễ ghi nhận xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa của Việt Nam vượt mốc 500 tỷ USD chiều 30/12 cho thấy, chặng đường XNK của Việt Nam trong những năm qua được ghi nhận bằng những bước tiến mạnh mẽ.
Tổng trị giá XNK hàng hóa trong gần 20 năm (giai đoạn 2000-2019) của Việt Nam đã đạt 3.995 tỷ USD. Trong đó, chỉ tính riêng 5 năm từ năm 2015 - 2019, XNK của Việt Nam đạt 2.106 tỷ USD, cao hơn XNK của cả 15 năm về trước cộng lại (giai đoạn 2000-2014).
KIm ngạch XNK đã vượt mốc 500 tỷ USD đầy ấn tượng |
Nếu như năm đầu tiên của thế kỷ 21 (năm 2001), tổng trị giá XNK của Việt Nam mới chỉ ở con số khiêm tốn hơn 30 tỷ USD thì sau 6 năm (năm 2007), tổng trị giá XNK cả nước đã đạt con số 100 tỷ USD, sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). 4 năm sau (năm 2011), tổng trị giá XNK đã tăng gấp đôi, đạt con số 200 tỷ USD. Trong thời gian 4 năm tiếp theo (năm 2015), XNK nước ta đã cán mốc trị giá 300 tỷ USD. Chỉ 2 năm sau đó (vào giữa tháng 12/2017), tổng trị giá XNK đã đạt mức 400 tỷ USD. Tiếp nối 2 năm sau đó, trong nửa cuối tháng 12/2019, trị giá XNK cán mốc 500 tỷ USD.
Năm 2006, Việt Nam xếp hạng thứ 50 trên thế giới về XK và xếp thứ 44 về nhập khẩu (NK). Đến năm 2018, Việt Nam đã có bước phát triển ấn tượng, xếp thứ 26 về XK và thứ 23 về NK. Với kết quả này, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có trị giá XNK hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu. Trong nội khối ASEAN, Việt Nam có vị trí thứ 3 về XNK, chỉ sau Singapore và Thái Lan.
Đến nay, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt thặng dư liên tục sau một thời gian dài thâm hụt. Từ năm 2011 trở về trước, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam luôn trong trạng thái thâm hụt, kéo dài liên tục, con số nhập siêu lên đến hàng tỷ USD, đỉnh điểm lên tới 18,02 tỷ USD trong năm 2008. Nhưng từ năm 2012 đến nay, cán cân thương mại đổi chiều, xuất siêu liên tục (trừ năm 2015, có mức thâm hụt trị giá 3,55 tỷ USD). Năm 2019, với sự gia tăng quy mô XK cao hơn NK, thặng dư cán cân thương mại đã lên tới gần 10 tỷ USD.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, kết quả này có nhiều ý nghĩa trong bối cảnh thương mại toàn cầu năm nay ở mức thấp nhất trong 10 năm |
Chúc mừng sự kiện quan trọng này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, kết quả này có nhiều ý nghĩa trong bối cảnh thương mại toàn cầu năm nay ở mức thấp nhất trong 10 năm (chỉ tăng 1,2%), xung đột thương mại xảy ra giữa các nước. Trong tình hình đó, các bộ, các cấp, các ngành đã đồng tâm hiệp lực tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện cho sản xuất hàng XNK. Nhiều văn bản chỉ đạo được ban hành, đưa ra các giải pháp, tháo gỡ cụ thể những vướng mắc, như Một cửa ASEAN, thông quan điện tử, cấp xuất xứ C/O mẫu D điện tử, bảo đảm tín dụng cho các mặt hàng XK…
Việc ký kết 14 FTA, trong đó Hiệp định CPTPP đang phát huy tác dụng lớn trong tăng trưởng XK. Các thị trường có FTA tăng trưởng XK ở mức 2 con số. Cơ cấu hàng XK của Việt Nam tiếp tục cải thiện theo hướng tích cực, giảm hàm lượng XK thô, tăng XK sản phẩm chế biến, chế tạo. Ta đã tham gia một bước vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Tỉ trọng sản phẩm chế biến, chế tạo chiếm 84% tổng kim ngạch XK. Nhiều mặt hàng chủ lực duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số như máy tính, sản phẩm gỗ, giày dép… Năm 2019, cả nước có 32 mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 10 tỷ USD.
Ngoài ra, hoạt động xúc tiến thương mại và hội nhập đã đem lại nhiều lợi ích phát triển ngoại thương Việt Nam. Nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu đã tăng chậm lại và nhập khẩu các mặt hàng phục vụ cho sản xuất tiêu dùng trong nước cũng như phục vụ gia công XK đều tăng.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng các bộ ngành; đồng thời tập trung vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp |
Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ nêu ra một số yêu cầu, trước hết là tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu, chống nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn. Năm 2020, Thủ tướng giao Bộ Công Thương - cơ quan chủ trì quản lý Nhà nước về XNK phấn đấu đạt mục tiêu XK 300 tỷ USD và là năm thứ 5 liên tiếp xuất siêu.
Các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phối hợp hợp tác, chia sẻ cùng có lợi, cùng kinh doanh với các doanh nghiệp FDI. Tiếp tục công tác phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng Việt Nam, tránh kiện tụng về hợp đồng XNK. Đẩy mạnh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và chống giả mạo xuất xứ, nguồn gốc để bảo vệ những nhà XK chân chính…
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, năm 2020, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng các bộ ngành; đồng thời tập trung vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tiếp tục công tác phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng Việt Nam... nỗ lực, quyết tâm đạt được mục tiêu Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao.