Quan hệ thương mại Việt Nam - Nam Phi: Đặt mục tiêu 2 tỷ USD trong 5 năm tới
Tại cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Phó Tổng thống Nam Phi David Mabuza khẳng định, Nam Phi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong quan hệ thương mại, đầu tư, nhằm mục tiêu đưa kim ngạch song phương lên mức 2 tỷ USD trong 5 năm tới.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đến nước Cộng hòa Nam Phi từ ngày 3-5/11/2019, Bộ Công Thương Việt Nam đã phối hợp với Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi, Phòng Thương mại và Công nghiệp Johannesburg tổ chức Diễn đàn “Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Nam Phi”.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự Diễn đàn Thương mại và Đầu tư Việt Nam – Nam Phi tại TP Johannesburg, ngày 4/11/2019. Ảnh: VGP |
Diễn đàn đã thu hút hơn 200 khách tham dự, đến từ hơn 120 DN của hai nước, là sự kiện được giới DN hai bên mong đợi sau 15 năm kể từ chuyến thăm chính thức cấp nhà nước của cố Thủ tướng Phan Văn Khải tới Nam Phi năm 2004. Sự hiển diện của Lãnh đạo cấp cao Chính phủ Việt Nam, lãnh đạo các bộ, ngành của hai nước và sự tham gia trực tiếp của nhiều tập đoàn, DN lớn của hai nước là cơ hội để thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư một cách thực chất và hiệu quả; giải quyết những vướng mắc, tồn tại trong chính sách, thủ tục; mở ra một chương mới trong quan hệ kinh tế hai nước Việt Nam - Nam Phi.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Nam Phi trong 25 năm qua, Nam Phi là quốc gia đầu tiên và cũng là duy nhất hiện nay tại châu Phi mà Việt Nam thiết lập quan hệ “Đối tác vì hợp tác và phát triển”, Nam Phi hiện cũng là đối tác thương mại và thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi. Trong 10 năm từ 2008 - 2018, kim ngạch thương mại của 2 nước tăng gấp 5 lần, thường xuyên đạt 1 tỷ USD, năm 2019 dự kiến đạt 1,3 tỷ USD. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, con số này còn khiêm tốn so với tổng giá trị trao đổi thương mại của mỗi nước, còn rất thấp so với con số kim ngạch xuất khẩu 530 tỷ USD của Việt Nam ra thế giới.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kêu gọi cộng đồng DN hai nước cần đóng vai trò đầu tàu, là cầu nối hiệu quả để bổ sung cho nhau cùng phát triển. Chính phủ Việt Nam khuyến khích DN Nam Phi đầu tư vào những ngành quan trọng như: công nghiệp chế biến, xây dựng và dịch vụ, công nghiệp phụ trợ. Đổi lại Việt Nam mong muốn nhìn thấy sự hiện diện ngày càng nhiều của các sản phẩm nông thủy sản và thực phẩm tiêu dùng “make in Việt Nam” tại các siêu thị đa quốc gia như Makro, Metro, Woolworth và hệ thống siêu thị nội địa của Nam Phi như Spaz, Checkers…
Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam mong muốn và sẽ làm hết mình để thúc đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác với Nam Phi, đặc biệt là về kinh tế, đưa mối quan hệ này lên một tầm cao mới, tương xứng với mối quan hệ chính trị truyền thống tốt đẹp mà hai nước đã dày công vun đắp qua nhiều thế hệ. Đặc biệt, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam sẽ cùng với Chính phủ Nam Phi thúc đẩy sớm đàm phán ký hiệp định khuyến khích bảo hộ đầu tư, hiệp định tránh đánh thuế hai lần và xem xét việc mở các chi nhánh ngân hàng thương mại của Việt Nam tại Nam Phi.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, đơn vị tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Thương mại và Đầu tư Việt Nam – Nam Phi. Ảnh: VGP |
Phát biểu tại diễn đàn - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An - cho biết, về cơ cấu hàng hóa, các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước khá đa dạng và có tính bổ khuyết cho nhau. Việt Nam xuất khẩu sang Nam Phi điện thoại di động, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng, dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, gạo, thủy sản… Nam Phi xuất khẩu sang Việt Nam rau quả, rượu vang, sản phẩm hóa chất, chất dẻo nguyên liệu, đồng, than đá, quặng và khoáng sản khác… Về đầu tư, hiện Nam Phi bước đầu có 11 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 1,33 triệu USD.
Các DN Nam Phi quan tâm rất lớn đến cơ hội hợp tác thương mại với các DN Việt Nam trong phần Tiếp xúc B2B. Ảnh: Huyền Sâm |
Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng đưa ra 6 lý do cụ thể cho rằng, mối quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam - Nam Phi còn rất nhiều tiềm năng và thuận lợi để phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới:
Thứ nhất, Việt Nam và Nam Phi đều là các quốc gia có qui mô nền kinh tế đang tăng nhanh. Việt Nam đã trải qua 30 năm có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm từ 6 - 7%, còn Nam Phi, mặc dù những năm gần đây tăng trưởng ở mức thấp, nhưng Nam Phi là nền kinh tế lớn nhất châu Phi và thứ 30 trên thế giới, với cơ sở hạ tầng tốt, thu nhập bình quân đầu người cao nhất châu Phi.
Thứ hai, Việt Nam và Nam Phi là các quốc gia có thị trường nội địa lớn, có số dân đông (Việt Nam gần 100 triệu dân, Nam Phi 55 triệu dân). Tổng cầu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ nội địa ở Việt Nam thường xuyên tăng ở mức 2 con số từ năm 2011 đến nay (trung bình 8 năm 10,6%), riêng năm 2018 và 9 tháng 2019 gần 12%. Cả hai nước đều có dân số trẻ (tuổi bình quân của dân số Nam phi là 26, Việt Nam là 31), nguồn lao động dồi dào, sự gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu, tốc độ đô thị hoá nhanh (66% dân số Nam Phi sống ở thành thị - Việt Nam là 36% nhưng đang tăng nhanh), sức mua hàng hoá đang tăng nhanh cùng với sự phát triển nhanh của qui mô nền kinh tế là những cơ hội để thúc đẩy tiêu dùng nội địa của mỗi nước. Từ đó tạo động lực cho sản xuất, thương mại, du lịch.
Thứ ba, Việt Nam và Nam Phi là 2 quốc gia có vị trí địa chính trị quan trọng, có thể làm cầu nối cho các thị trường lớn của các cộng đồng kinh tế và các khối thương mại tự do.
Thứ tư, chính sách nhất quán tiếp tục mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam phù hợp với tiềm lực và khả năng của các doanh nghiệp Nam Phi.
Thứ năm, Chính phủ hai nước đều đang theo đuổi mục tiêu giống nhau là tái cơ cấu, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Trong đó cải thiện thể chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN Nhà nước, nâng cao hiệu quả của đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ sáu, nền kinh tế hai nước có thể bổ khuyết cho nhau rất tốt. Từ trước đến nay, Việt Nam được biết đến là cường quốc về các sản phẩm nông nghiệp, ngày nay, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã thay đổi một cách căn bản, bao gồm chủ yếu là các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 82,8% kim ngạch xuất khẩu - năm 2011 mới là 61%). Việt Nam là nhà xuất khẩu lớn về điện thoại di động và linh kiện, máy vi tính, máy móc thiết bị và phụ tùng, dệt may, da giày. Năm 2018, Việt Nam có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó 9 nhóm mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD và 5 nhóm mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD (bao gồm điện thoại di động và linh kiện (50 tỷ USD); dệt may (30,49 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (29,32 tỷ USD); máy móc thiết bị, phụ tùng (16,55 tỷ USD; giày dép (16,24 tỷ USD). Xuất khẩu nông sản, thuỷ sản chỉ còn chiếm 10,5% kim ngạch và mặt hàng khai khoáng chỉ còn 1,9%.
Chủ trì phần hỏi đáp và tiếp xúc B2B tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã cùng với Thứ trưởng Bộ Quan hệ địa phương và các vấn đề truyền thống Nam Phi Obeb Bapela, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Khoáng sản Nam Phi Thabo Mokoena, và bà Jacki Mpondo Hendricks, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Johannesburg đã trả lời rất nhiều câu hỏi quan tâm của DN cả hai nước liên quan đến các chính sách hỗ trợ, khuyến khích bảo hộ đầu tư, hỗ trợ thuế, thủ tục mở DN, dự án tại Việt Nam, thủ tục đầu tư xây dựng khai thác mỏ tại Nam Phi…
Đến Nam Phi tham dự diễn đàn DN lần này là các tập đoàn, DN lớn chủ chốt của Việt Nam đã từng tìm hiểu thị trường Nam Phi, có kế hoạch cụ thể để thâm nhập thị trường, trong các lĩnh vực phù hợp với tiềm năng thực tế tại đây bao gồm: năng lượng, sản phẩm nông nghiệp, thuỷ hải sản, dệt may, dầu khí và gas, gỗ, chất dẻo, sản phẩm ngành nhựa, ngân hàng, tài chính… như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tập đoàn T&T, Tập đoàn Thiên Minh Đức, Công ty CP Hóa chất nhựa…
Ông Đỗ Quang Hiển, Tập đoàn T&T Việt Nam nhận được sự quan tâm của nhiều DN Nam Phi tại buổi tọa đàm. Ảnh: Huyền Sâm |
Trao đổi với các DN Nam Phi tại buổi tiếp xúc B2B, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Tập đoàn T&T cho biết rất ấn tượng với đất nước Nam Phi, nhìn thấy tiềm năng lớn trong hợp tác đầu tư, thương mại tại thị trường này, từ các lĩnh vực: năng lượng, khoáng sản, tài chính ngân hàng cho đến các sản phẩm tiêu dùng như thịt bò, trái cây, rau quả, hay đặc biệt hơn là mở các trung tâm đào tạo bóng đá ở khu vực này.
Thứ trưởng Bộ Quan hệ địa phương và các vấn đề truyền thống Nam Phi - ông Obeb Bapela - cho biết, thời gian gần đây, Chính phủ Nam Phi đang thúc đẩy cải cách hành chính, đặt mục tiêu thu hút 100 tỷ USD đầu tư nước ngoài giai đoạn 2018-2023, giúp nền kinh tế tăng trưởng. Ông Obeb Bapela cho rằng, hai quốc gia đã duy trì cơ chế Diễn đàn “đối tác phát triển” và cần tăng cường hơn nữa khuôn khổ này để đưa quan hệ giữa hai quốc gia lên tầm cao mới.
“Chúng tôi cho rằng, nếu Chính phủ hai bên có các thỏa thuận thì sẽ thúc đẩy quan hệ kinh tế, đầu tư chất lượng hơn”, ông Bapela nói và cho biết, Nam Phi sẽ ưu tiên cải cách chính sách thị thực để có nhiều du khách Việt Nam du lịch tại Nam Phi.