Sẽ là năm thứ tư liên tiếp xuất siêu – tigifood
Giỏ hàng

Sẽ là năm thứ tư liên tiếp xuất siêu

Sau 11 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa đã gần đạt mục tiêu đề ra từ đầu năm. Đặc biệt, con số 500 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) dự kiến sẽ đạt được trong năm nay.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, tổng kim ngạch XNK hàng hóa 11 tháng năm 2019 ước tính đạt 473,73 tỷ USD, trong đó kim ngạch XK hàng hóa đạt 241,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, mặc dù còn 1 tháng nữa mới kết thúc năm, song kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam đã hoàn thành 91,8% so với mục tiêu đề ra từ đầu năm (đạt 263 tỷ USD).

se la nam thu tu lien tiep xuat sieu
XNK những tháng cuối năm thường tăng cao

Cụ thể, trong tháng 11, kim ngạch XK hàng hóa ước đạt 22,6 tỷ USD, giảm 6,7% so với tháng 10/2019 nhưng lại tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2018. Tính chung 11 tháng, kim ngạch XK ước đạt 241,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, kim ngạch XK của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 74,72 tỷ USD, tăng 18,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 166,7 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ. Tỷ trọng của khối doanh nghiệp trong nước trong tổng kim ngạch XK chung cũng tăng lên mức 30,95% so với 29,16% của 11 tháng năm 2018.

Về nhóm hàng XK, nếu nông - lâm - thủy sản và nhiên liệu khoáng sản vẫn suy giảm thì nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 203,84 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 84,43% tổng kim ngạch, đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng chung của hoạt động XK. Hầu hết các mặt hàng trong nhóm này đều đạt mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới từ việc tận dụng các FTA đã có hiệu lực và đang tiếp tục đàm phán, ký kết. Việc không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động đã và đang là động lực rất lớn phát triển các doanh nghiệp XK trong nước, cũng như thu hút mở rộng đầu tư và XK sản phẩm của các doanh nghiệp.

Cùng với tăng trưởng XK ở mức cao, sau 11 tháng năm 2019, cả nước đã xuất siêu 9,11 tỷ USD, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (7,58 tỷ USD). Dự kiến năm 2019 là năm xuất siêu thứ 4 liên tiếp của Việt Nam.

Thông thường kim ngạch XNK những tháng cuối năm thường đạt khá cao so với đầu năm, do đây là thời điểm chuẩn bị hàng hóa phục vụ các dịp mua sắm lớn nhất trên toàn cầu trong cả năm như: Lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán ở Việt Nam và một số nước châu Á… Do đó, ngoài việc đạt mục tiêu XK, con số kim ngạch 500 tỷ USD kim ngạch XNK dự kiến cũng sẽ đạt được trong năm nay.

Bên cạnh đó, vốn FDI đăng ký cấp mới trong tháng 10/2019 đạt mức cao nhất, với trị giá đạt 1,86 tỷ USD. Tính chung 10 tháng, tổng trị giá vốn FDI đăng ký cấp mới tăng thêm và vốn cổ phần đạt 29,1 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018. FDI không chỉ giúp gia tăng nguồn vốn đầu tư phát triển, tăng thu ngân sách, tạo thêm việc làm, mà còn thúc đẩy XK, mang tới động lực tăng trưởng kinh tế. Do đó, mục tiêu XK tăng 7 - 8% và XNK cán đích 500 tỷ USD hoàn toàn có thể đạt được trong tháng tới.

Hiện sau 11 tháng năm 2019, cả nước đã xuất siêu 9,11 tỷ USD, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (7,58 tỷ USD). Dự kiến năm 2019 là năm xuất siêu thứ 4 liên tiếp của Việt Nam.

Bảo Ngọc (Công Thương)