Tăng giá trị hạt gạo từ nhà máy sản xuất bánh gạo 70 triệu USD
Tập đoàn Want- Want- "vua bánh gạo" toàn cầu đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên ở Đông Nam Á với kế hoạch xây nhà máy 70 triệu đô ngay tại vùng lúa gạo miền Tây.
Nhà máy của Want -Want đặt tại khu công nghiệp Long Giang và đang trong tiến trình xây dựng, theo kế hoạch sẽ sẵn sàng hoạt động vào đầu 2021. Nhà máy có quy mô diện tích 75.000m2, ước tính mang đến khoảng 2.000 cơ hội việc làm cho địa phương. Với quy mô đầu tư lớn, Việt Nam sẽ trở thành trung tâm chiến lược của Tập đoàn Want-Want tại Đông Nam Á.
Want -Want chính thức nói lời chào Việt Nam - hứa hẹn sẽ thổi bùng sức nóng trên thị trường bánh gạo đặc biệt với các sản phẩm tinh chế gốc gạo
Phát biểu trong buổi chia sẻ chiến lược gia nhập thị trường Việt Nam, ông Everett chu - Giám đốc Tài chính cấp cao kiêm phát ngôn viên của Tập đoàn Want-Want cho biết, "với nguồn nguyên liệu dồi dào, thượng hạng từ một trong những quốc gia xuất khẩu lúa gạo lớn nhất thế giới như Việt Nam, kết hợp với bí quyết của Want-Want, hy vọng sẽ tạo nên những sản phẩm bánh kẹo được người tiêu dùng Việt Nam ưa thích". Bên cạnh đó, Want Want cũng sẽ cung cấp ra thị trường các sản phẩm kem và đồ uống, đồ ăn nhẹ.
Cũng theo chia sẻ của đại diện Cty, Want -Want là tập đoàn Đài Loan, có trụ sở tại Thượng Hải và đã niêm yết trên sàn chứng khoán Heng Sheng-Hongkong.Want -Want sẽ chính thức phân phối sản phẩm vào thị trường Việt Nam trước mắt ở các kênh siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
Ghi nhận cho thấy hiện các sản phẩm của Want-Want cũng đã bán ở cả các trang thương mại điện tử lớn như Lazada, Tiki... Trong lịch sử của Want-Want, tập đoàn này đã từng lập kỷ lục bán 25 ngàn sản phẩm Hot Kid trong một giây trên trang thương mại điện tử Takasa. Do đó, sự ra mắt của Want -Want không chỉ hứa hẹn những sản phẩm tiêu dùng mới cho thị trường trước mắt, còn mang đến những áp lực cạnh tranh mới cho thị trường bánh kẹo với Việt Nam, với các tên tuổi đang khá "yên vị" như Mondelez Kinh Do, Bibica, Hải Hà, Hữu Nghị, Tràng An, Hải Châu, Á Châu...và sức nóng phả nhiệt từ các kênh bán hàng hiện đại.
Tuy nhiên, nhìn từ phía Tiền Giang, đây là cơ hội lớn của địa phương trong phát huy lợi thế "vựa" lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2019, theo nhận định của ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tình hình xuất khẩu kinh doanh lúa gạo của Việt Nam khá khó khăn.
Thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 10 tháng năm 2019, khối lượng xuất khẩu gạo ước đạt 5,56 triệu tấn với 2,43 tỷ USD, tăng 6,1% về khối lượng nhưng giảm 9,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Có thời điểm, giá gạo xuất khẩu đã “chạm đáy” trong 12 năm qua. Giải pháp để giữ vững ổn định sản xuất của bà con nông dân và giá trị hạt lúa, ngoài các chính sách hỗ trợ thu mua tạm trữ, về lâu dài, vẫn cần những kế hoạch phát huy giá trị gia tăng qua chế biến sâu, đa thành phẩm từ lúa gạo.
Theo đó, việc Want-Want đặt nhà máy tại Tiền Giang, được kỳ vọng sẽ là điểm tiêu thụ, đầu vào thu mua và chế biến để nâng giá trị nguồn nguyên liệu nông sản quý giá của Việt Nam. Quan trọng hơn, con đường để phát triển các sản phẩm tinh chế, có gốc gạo...sẽ mở ra nhiều kỳ vọng với các địa phương trong việc hợp tác cùng các tập đoàn, doanh nghiệp lớn khác.