THÁO GỠ VƯỚNG MẮC, LIÊN KẾT 6 NHÀ, KIẾN TẠO CHUỖI GIÁ TRỊ NÔNG SẢN – tigifood
Giỏ hàng

THÁO GỠ VƯỚNG MẮC, LIÊN KẾT 6 NHÀ, KIẾN TẠO CHUỖI GIÁ TRỊ NÔNG SẢN

Ngày 10/12, tại thành phố Cần Thơ, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với UBND thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân. Hội nghị có chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản”. Đây là lần thứ hai người đứng đầu Chính phủ đối thoại với nông dân sau thành công củ lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Hải Dương vào tháng 4/2018.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng các đại biểu tham dự Hội nghị

Tham dự Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; ông Trần Quốc Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ; cùng lãnh đạo các Ban, bộ, ngành ở Trung ương, lãnh đạo Hội Nông dân 63 tỉnh, thành phố và 300 nông dân tiêu biểu trên cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng các đại biểu chủ trì Hội nghị

Hoan nghênh, chào mừng 300 đại biểu nông dân dự đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn bà con nêu ra các vấn đề thiết thực như sản xuất sản phẩm giá cao, cạnh tranh không được trong khi hội nhập quốc tế thì sản phẩm nước ngoài vào, làm gì để có sản phẩm tốt, giá thành hạ để bán cho người tiêu dùng trong nước và hướng về xuất khẩu. Nhà nước phải làm gì, người dân phải làm gì, Thủ tướng đặt vấn đề và cho biết, dự đối thoại còn có lãnh đạo của nhiều bộ, ngành, cơ quan liên quan đến sản xuất, tiêu thụ nông sản như Ngân hàng Nhà nước, “lãi suất làm sao để bà con vay được vốn, trong 6 nhà thì có nhà băng, nhà ngân hàng rất quan trọng”.

“Như đối với Bộ Tài chính, có trách nhiệm gì trong hỗ trợ một số công việc thuộc phạm vi quản lý cho bà con nông dân. Hay với ngành Giao thông vận tải, nếu không giảm chi phí logistic, chi phí vận tải thì làm sao cạnh tranh được? Không có khoa học công nghệ, nghiên cứu giống mới, chịu hạn, mặn thì làm sao có thể chống chọi với thiên tai, thời tiết…”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn thăm quan các gian hàng tại Hội nghị

Thủ tướng cũng muốn nghe ý kiến của bà con vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Đó cũng là lý do tổ chức cuộc đối thoại hôm nay tại TP. Cần Thơ, thủ phủ miền Tây. Sắp tới, theo Thủ tướng, sẽ tổ chức cuộc đối thoại tại khu vực miền Trung để chính sách sát hơn với các vùng.

“Nhà nước quan tâm, Thủ tướng đặt vấn đề, người nông dân cũng phải tự đổi mới, phải vào hợp tác xã, liên kết làm sao. Tính chủ động của bà con rất quan trọng, nếu cứ làm bài cũ, sản xuất tràn lan, thâm dụng đất đai, ảnh hưởng đến môi trường, không tự tái cơ cấu thì khó thành công”, Thủ tướng gợi mở.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn thăm quan các gian hàng tại Hội nghị

Ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, một trong những khó khăn, vướng mắc hiện nay của nông dân chính là vấn đề tiêu thụ nông sản ổn định, đảm bảo nông dân có lãi. Để giải quyết được vấn đề khó khăn này cần có các giải pháp tổng thể, đồng bộ và xuyên suốt… Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp đã có sự phát triển vượt bậc, ước tính năm 2019 cả nước thu hoạch được 43,6 triệu tấn lúa; 3,3 triệu tấn thịt lợn; 1,3 triệu tấn thịt gà; sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản đạt 7,6 triệu tấn… Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông, lâm, thủy sản ước đạt 41,3 tỷ USD; thặng dư thương mại đạt 9,5-10 tỷ USD. Cùng với đó, đời sống người nông dân cũng được nâng lên, nhiều gia đình đã thoát nghèo bền vững, bắt đầu xuất hiện khái niệm tỷ phú nông dân với những điển hình tiêu biểu về sản xuất giỏi.

Bên cạnh đó, NHNN cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng ưu tiên tập trung nguồn vốn, cho vay với lãi xuất phù hợp. Từ đầu năm 2019 đến nay đã có gần 120 nghìn doanh nghiệp và một số khách hàng khác được giải ngân cho vay mới với doanh nghiệp giải ngân gần 520 nghìn tỷ đồng…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn thăm quan các gian hàng tại Hội nghị

Tại Hội nghị đã có rất nhiều câu hỏi từ nông dân, chuyên gia, doanh nghiệp trong nước gửi đến Thủ tướng, tập trung vào 3 nhóm vấn đề gồm: sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng phát triển bền vững, tiêu thụ nông sản; vấn đề đất đai, đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn; biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường...

Đề cập đến chủ đề sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng phát triển bền vững, tiêu thụ nông sản, ông Trần Công Danh, huyện Thới Lai, Thành phố Cần Thơ đề cập đến hiện tượng nông nghiệp được mùa nhưng lại mất giá đang diễn ra, ông Danh mong muốn chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan cần có những chính sách cụ thể gì để khắc phục hiện tượng bất cập này, tạo niềm tin và động lực cho người nông dân hăng say sản xuất trên cánh đồng của mình.

Ông Nguyễn Hùng Thắng, đến từ Đồng Tháp, người phát minh ra mạng lưới tưới cây tự động trăn trở, đối với Dự án phát triển nông nghiệp áp dụng công nghệ 4.0 và tiến tới là công nghệ 5.0 có nhiều vấn đề bất cập trong nhận hỗ trợ từ chính quyền địa phương khi việc hỗ trợ không bắt kịp với sản phẩm công nghệ hiện hành, bởi vậy người nông dân cần có quy định thời gian hỗ trợ cụ thể để người nông dân đàm phán với đối tác và cần có cơ chế tạo nguồn vốn cho dự án về khoa học công nghệ.

Đồng quan điểm về việc vay vốn để ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp, ông Nguyễn Thái Hòa ở tỉnh Hưng Yên bày tỏ, việc triển khai nông nghiệp 4.0 đòi hỏi nguồn vốn phải lớn nhưng chính sách tín dụng nông nghiệp ban hành nhiều mà nông dân làm nông nghiệp 4.0 thì không thể tiếp cận được vì thủ tục còn rườm rà, phức tạp, để tháo gỡ vấn đề này Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ gì để nông dân có thể tiếp cận dễ dàng nguồn vốn vay này.

Đề cập đến hiện tượng ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm môi trường từ các sản phẩm thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu trên những cánh đồng ở ĐBSCL, ông Phan Văn Thụ đến từ An Giang đề nghị, chính phủ cần có biện pháp cụ thể thúc đẩy ngành sản xuất và cần mạnh tay hơn nữa đối với những hộ gia đình sử dụng những sản phẩm thuốc độc hại trong sản xuất nông nghiệp, gây ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe của bà con.

Ông Nguyễn Chí Công, người chăn nuôi heo đến từ Đồng Nai nhấn mạnh đến hiện tượng dịch tả heo trâu phi năm nay gây nhiều thiệt hại cho bà con, từ hiện tượng này đã xảy ra vấn đề chênh lệch lớn giá thịt heo trong nước với giá thịt heo nhập khẩu trên thế giới. “Với mức giá từ 22.000-28.000 nghìn/đồng/kg cân hơi nhập khẩu, người nông dân trong nước có thể sản xuất được với mức giá đó, nhưng trước tiên chính phủ cần có dự báo đúng về diễn biến giá cả để người nông dân có định hướng phát triển sản phẩm chăn nuôi của mình”, ông Công kiến nghị.

Cũng đề cập đến sự lớn mạnh của các HTX, ông Nguyễn Chí Công cho biết, hiện nay HTX lại hoạt động như 1 công ty tư nhân với 1 chủ sở hữu đứng đầu, nếu như vậy thì quyền lợi của người nông dân không được đảm bảo, chính vì vậy ông mong muốn chính phủ cần thắt chặt lại những vấn đề liên quan đến luật HTX để phát triển mô hình HTX nhằm liên kết người nông dân cùng tham gia sản xuất, bảo đảm đầu ra và giá cả xuất khẩu cho bà con.

Nhắc đến vấn đề liên kết 6 nhà hiện nay, ông Phan Văn Thế, người trồng vú sữa tím tại tỉnh Sóc Trăng cho rằng, vấn đề này đang gặp nhiều khó khăn, nhất là người nông dân khi sản xuất ra sản phẩm rất khó liên kết với doanh nghiệp, doanh nghiệp chưa thực sự chia sẻ với nông dân để tạo nên liên kết phải bền vững và giá cả được đảm bảo, ông Thế cho rằng Chính phủ cần có giải pháp gì để liên kết 6 nhà sẽ tạo cơ hội cho người nông dân xuất khẩu được sản lượng lớn hơn nữa.

Ở góc độ khác, ông Phạm Ngọc Thành đến từ tỉnh Quảng Nam băn khoăn khi hiện này vấn đề tham nhũng vặt ở nông thôn đang xảy ra, trước hiện tượng này, Thủ tướng Chính phủ có hướng chỉ đạo như thế nào và kế hoạch giám sát của MTTQ Việt Nam đối với vấn đề này ra sao?

Ban Biên tập tiếp tục cập nhật thông tin về cuộc đối thoại này