Thập niên mới, bàn cách nâng tầm gạo Việt
Năm 2019, xuất khẩu gạo không đạt được như kỳ vọng nhưng với việc gạo ST25 được công nhận là gạo ngon nhất thế giới cho thấy, nếu khai thác đúng giá trị thương hiệu, hạt gạo Việt sẽ nâng tầm.
Gạo ngon nhất thế giới, có hợp chất quý
Năm 2019, trong bối cảnh thương mại khó khăn, Việt Nam đã xuất khẩu (XK) được 6,3 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 2,7 tỷ USD. Những nỗ lực khơi thông thị trường, tháo gỡ từng điểm nghẽn đã cho những kết quả tích cực.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị thăm mô hình canh tác lúa hữu cơ. Ảnh: K.N
Diện tích lúa thơm, lúa đặc sản đạt 1,04 triệu ha (2015 là 647.600ha), lúa chất lượng cao 1,66 triệu ha (2015 là 1,47 triệu ha). Ngược lại, diện tích các loại lúa giảm gồm: Lúa chất lượng trung bình 715.400ha (2015 là 1,26 triệu ha), nếp và các loại khác. |
Còn nhớ ngày 11/9/2019, Bộ Nông nghiệp Philippines khởi xướng điều tra việc nhập khẩu gạo gia tăng đột biến, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nông dân Philippines, trong đó có gạo đến từ Việt Nam, nguy cơ giảm sản lượng XK gạo từ một thị trường truyền thống lâu năm đang hiện hữu.
Ngay sau đó, đại diện các ngành chức năng của Việt Nam đã sang Philippines làm việc, bày tỏ quan điểm, ý kiến của Việt Nam. Đúng 1 tháng sau, ngày 11/10/2019, Bộ Nông nghiệp Philippines (DA) ra thông báo công khai chấm dứt điều tra sơ bộ về việc áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với sản phẩm gạo nhập khẩu vào Philippines. Ngoài ra, những bất lợi khi XK sang thị trường Trung Quốc cũng được các ngành chức năng tìm cách hóa giải.
Nhưng có lẽ điểm sáng nhất trong ngành chế biến, xuất khẩu gạo trong năm 2019 là gạo ST25 do nhóm nhà khoa học tỉnh Sóc Trăng lai tạo, phát triển đã được công nhận là "Gạo ngon nhất thế giới 2019" tại Hội nghị Thương mại gạo thế giới lần thứ 11 tổ chức tại Philippines hay việc phát hiện gạo hữu cơ Quảng Trị có hai hợp chất Momilactone A và Momilactone B (MA và MB) có tác dụng chống tiểu đường, béo phì, bệnh gout.
Đánh giá về sự kiện này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, việc gạo ST25 được công nhận là gạo ngon nhất thế giới hay phát hiện hợp chất quý trong gạo hữu cơ Quảng Trị đã góp phần nâng cao uy tín về chất lượng và thương hiệu cho gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Người tiêu dùng khắp năm châu ngoài việc biết đến Việt Nam là nước XK gạo với sản lượng lớn mà còn biết đến đến Việt Nam có rất nhiều loại gạo đặc sản rất đặc biệt khác mà không nơi nào có.
Việt Nam chứng minh khả năng nghiên cứu và áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất lúa gạo của các nhà khoa học và người nông dân Việt Nam có thể đạt đến đỉnh cao của thế giới.
Những ruộng lúa hữu cơ thu hút cả cá tôm về. Ảnh: K.N
Chúng ta cũng chứng minh được tiềm năng rất lớn về các loại đặc sản nông sản của các địa phương, vùng miền trên khắp cả nước hết sức phong phú, đa dạng, từ đó mở ra hướng đi mới để nâng cao giá trị gia tăng cho hạt gạo Việt, với việc nghiên cứu tạo các giống lúa mới có chất lượng cao, thơm ngon đặc biệt phục vụ người tiêu dùng cũng như tạo ra những loại gạo để chiết xuất các tinh chất phục vụ cho các ngành kinh tế khác như dược phẩm, thực phẩm chức năng...
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngành lúa gạo trong những năm qua đã ghi nhận sự chuyển đổi mạnh mẽ về cơ cấu giống, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng lúa gạo Việt Nam, đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của nhiều thị trường. Năm 2018, diện tích lúa thơm, lúa đặc sản, lúa chất lượng cao tăng lên, chiếm tỷ lệ 60% cơ cấu giống gieo trồng.
“Định hướng phát triển thị trường XK gạo cũng có sự thay đổi mạnh mẽ, chuyển dịch theo hướng tăng mạnh phân khúc gạo chất lượng cao, giảm phân khúc gạo chất lượng trung bình và thấp. Cụ thể là tăng tỷ trọng các thị trường có nhu cầu nhập khẩu gạo chất lượng, giá trị gia tăng cao; từng bước giảm tỷ trọng các thị trường nhập khẩu gạo có chất lượng, giá trị gia tăng và hiệu quả thấp, không ổn định. Bám sát định hướng đến 2020, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình không vượt quá 20% tổng lượng gạo XK; đến năm 2030, tỷ trọng gạo trắng thường chỉ chiếm khoảng 25%, trong đó gạo phẩm cấp thấp và trung bình không vượt quá 10% tổng lượng gạo XK” – Bộ trưởng Bộ NNPTNT nhấn mạnh.
Ngoài ra, để nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm gạo Việt Nam, Bộ NNPTNT đã triển khai xây dựng nhãn hiệu chứng nhận Gạo Việt Nam/Vietnam Rice, hoàn tất thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ trong nước tại Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ và đang làm các thủ tục đăng ký bảo hộ tại các nước theo hệ thống Madrid; hoàn thành xây dựng và đã công bố 3 tiêu chuẩn quốc gia làm cơ sở về yêu cầu chất lượng đối với sản phẩm được mang thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam.
Sản xuất lúa theo vùng
Đó là một trong những định hướng của Bộ NNPTNT trong đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Bộ NNPTNT phê duyệt theo Quyết định 1898/QĐ-BNN-TT ngày 23/5/2016.
Trong các giải pháp, có tái cơ cấu sản xuất lúa, định hướng sản xuất lúa theo vùng. Theo đó, sản xuất lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long hướng đến thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa ở phân khúc chất lượng cao; vùng đồng bằng sông Hồng hướng đến thị trường nội địa; các đồng bằng ven biển miền Trung chủ yếu phục vụ tiêu dùng nội tỉnh.
“Do vậy, việc các địa phương xác định hướng phát triển sản xuất nói chung và lúa gạo nói riêng cần đảm bảo phù hợp định hướng của Bộ NNPTNT” – Bộ trưởng Cường nói.
Bộ NNPTNT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 về nông nghiệp hữu cơ.
Trong đó quy định cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ hoặc vật tư đầu vào phục vụ cho sản xuất hữu cơ được ưu tiên hưởng các chính sách khuyến khích đầu tư đối với nông nghiệp, nông thôn đã được ban hành như: Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp; liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu; hỗ trợ gắn Nhãn xanh Việt Nam, hỗ trợ cơ sở thân thiện với môi trường…
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ NNPTNT đang trình Chính phủ đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 với mục tiêu phát triển một nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững và thân thiện với môi trường.
Một trong các nhiệm vụ là định hướng phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung và các sản phẩm hữu cơ chủ lực. Bộ sẽ chủ trì, phối hợp với các địa phương triển khai các mô hình điển hình trên từng lĩnh vực để nhân rộng. Những mô hình đã thành công như gạo hữu cơ Quảng Trị sẽ là cơ sở để các địa phương có thể tìm hiểu và nhân rộng.
Khánh Nguyên (Dân Việt)