Thúc đẩy thương mại biên giới Việt - Trung: Triển khai hàng loạt giải pháp
Dù có vai trò quan trọng nhưng hoạt động thương mại biên giới được đánh giá vẫn còn nhiều khó khăn trong bối cảnh các thị trường có chung biên giới, đặc biệt là Trung Quốc đang siết chặt quy định nhập khẩu.
Nhiều khó khăn
Vừa qua, nông sản Việt, đặc biệt là thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc bị ùn ứ một lượng lớn tại Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), khiến các cơ quan chức năng phải vào cuộc giải quyết. Đây là minh chứng cho thấy, hoạt động thương mại biên giới Việt - Trung vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn.
Thương mại biên giới có vai trò quan trọng |
Số liệu tổng hợp từ các tỉnh biên giới phía Bắc cho thấy, tổng kim ngạch thương mại biên giới phía Bắc với Trung Quốc chiếm 25 - 30% trong tổng kim ngạch thương mại song phương. 9 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc ước đạt 19,431 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hoạt động thương mại biên giới đã góp phần phát huy, khai thác lợi thế cửa khẩu, lối mở biên giới, đóng góp tích cực thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, hoạt động thương mại biên giới, nhất là xuất khẩu qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới chưa thực sự ổn định, hiệu quả còn hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh gần đây, phía Trung Quốc tăng cường thực hiện nghiêm các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm…
Giải pháp quan trọng
Để thúc đẩy thương mại biên giới Việt - Trung phát triển theo hướng ổn định, bền vững, hiệu quả, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp chặt chẽ thực hiện hàng loạt giải pháp. Theo đó, tăng cường thực thi các quy định pháp luật về quản lý hoạt động thương mại biên giới đã được ban hành, đặc biệt là Nghị định số 14/2018/NĐ-CP và Hiệp định Thương mại biên giới Việt - Trung năm 2016. Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng định hướng phát triển thương mại biên giới giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới tầm dài hạn và trung hạn theo hướng ổn định, bền vững.
Tăng cường phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá thực trạng, thực thi các giải pháp cụ thể nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phối hợp quản lý giữa các lực lượng chức năng tại cửa khẩu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục quản lý xuất nhập khẩu, giảm thiểu thủ tục không cần thiết. Đồng thời, tăng cường cung cấp thông tin thị trường và các dịch vụ hỗ trợ khác đối với hoạt động kinh doanh qua hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại trên tuyến biên giới; xây dựng liên kết giữa các địa phương biên giới với địa phương trong nội địa, giữa người sản xuất và xuất khẩu.
Trên cơ sở những thỏa thuận, cơ chế, chính sách đã được Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan phê duyệt, các tỉnh biên giới chủ động tổ chức quản lý và điều hành hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua cửa khẩu trên địa bàn theo quy định. Tăng cường vai trò và chủ động của chính quyền địa phương biên giới các cấp trong việc theo dõi sát tình hình, cập nhật thông tin thị trường, xử lý các vấn đề phát sinh trên địa bàn, phối hợp với chính quyền địa phương phía bạn để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong hoạt động thương mại biên giới.
Ngoài ra, khảo sát, đánh giá, xây dựng dữ liệu về hạ tầng thương mại trên tuyến biên giới phía Bắc. Đề xuất, ban hành các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư xã hội hóa phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng thương mại; tạo thuận lợi, khuyến khích đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ thương mại biên giới.
Hàng hóa xuất khẩu, mua bán, trao đổi qua biên giới Việt - Trung chủ yếu là cao su, nông sản, thủy sản, sắn lát và tinh bột sắn, thóc, gạo, đường, trái cây tươi, gỗ ván bóc... |