VietNam Food Forum 2019: Giúp nông sản ứng phó rào cản hội nhập – tigifood
Giỏ hàng

VietNam Food Forum 2019: Giúp nông sản ứng phó rào cản hội nhập

Vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh, diễn ra Hội nghị quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam (Vietnam Food Forum 2019) với chủ đề “Nông sản thực phẩm Việt Nam – Chủ động ứng phó các rào cản hội nhập”.  Đây là sự kiện quốc tế quan trọng trong ngành thực phẩm Việt Nam kết hợp với Chương trình Giao dịch thương mại được tổ chức bên lề Triển lãm quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam (Vietnam Foodexpo 2019) hàng năm.

vietnam food forum 2019 giup nong san ung pho rao can hoi nhap
Diễn đàn trao đổi giữa các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống về giải pháp giúp phát triển thương mại nông sản, thực phẩm Việt nam

Ngày nay, khi có thêm nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương giữa Việt Nam và các quốc gia đối tác được ký kết và có hiệu lực, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ngày càng có thêm nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu và tăng cường lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh từ các quốc gia khác. Tuy nhiên, môi trường hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm, chủ động ứng phó và vượt qua các rào cản thương mại, đáp ứng các tiêu chuẩn chặt chẽ của thị trường quốc tế để phát triển thị trường xuất khẩu.

Vietnam Food Forum 2019 là diễn đàn đối thoại giữa các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức hỗ trợ và các doanh nghiệp ngành thực phẩm Việt Nam, các tập đoàn kinh tế toàn cầu và các chuyên gia trong lĩnh vực thực phẩm Việt Nam và thế giới. Mục tiêu chính của Hội nghị năm nay là chia sẻ thông tin về các rào cản trong thương mại quốc tế đối với ngành hàng nông sản, thực phẩm; các chương trình hỗ trợ nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu và kinh nghiệm triển khai thực tế tại các tổ chức và doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tham dự Hội nghị năm nay có các diễn giả là chuyên gia cao cấp của các chương trình, tổ chức trong nước và quốc tế nhằm thảo luận về các rào cản trong thương mại quốc tế, tiêu chuẩn bền vững quốc tế, thương mại điện tử, quy tắc xuất xứ… Hội nghị còn thu hút hơn 300 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn, tổ chức kinh tế cùng các cơ quan thông tấn, truyền thông tại Việt Nam và quốc tế.

Bên cạnh đó, tại Hội nghị, các doanh nghiệp, nhà cung cấp nông sản, thực phẩm Việt Nam có cơ hội gặp gỡ và giao dịch với 20 nhà nhập khẩu nước ngoài, tập đoàn thu mua, đại siêu thị hàng đầu trong và ngoài nước như: AMAZON, CJ, LOTTE, AEON, Central Group, MM Mega Market, VinMart, Saigon Co.op, HAPRO, SATRA... Theo đó có khoảng 500 lượt doanh nghiệp trong nước được kết nối giao thương tại chỗ, mở ra cơ hội cung cấp hàng hóa cho các nhà phân phối thực phẩm lớn trong và ngoài nước, mở rộng các chuỗi cung ứng về lương thực, thực phẩm.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có cơ hội làm việc với các nhà tư vấn trong các lĩnh vực yêu cầu thị trường, thiết kế, tài chính, thương mại điện tử. Tiêu biểu la Tập đoàn PAN - tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp - thực phẩm, sở hữu những công ty đầu ngành như Bibica, Vinaseed, FimexVN, Aquatex Bến Tre, Lafooco… đem tới Hội nghị giải pháp về chuỗi giá trị hoàn chỉnh Farm - Food - Family. Trong phiên tọa đàm, đại diện Tập đoàn PAN đã chia sẻ các giải pháp nhằm ứng phó và vượt qua các rào cản thương mại quốc tế để xuất khẩu thành công vào các thị trường khó tính trên thế giới.

Hội nghị là một trong những hoạt động của Chương trình Thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam (Foods of Vietnam), là một cấu phần của Chương trình Thương hiệu quốc gia, theo định hướng xây dựng và phát triển thương hiệu các ngành hàng có thế mạnh xuất khẩu và khả năng cạnh tranh của Việt Nam, trong đó tập trung đề cao các giá trị liên quan trực tiếp tới ngành thực phẩm Việt Nam. Chương trình được Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì thực hiện, bao gồm các hoạt động nhằm xây dựng, phát triển hình ảnh ngành thực phẩm Việt Nam trong nhận thức của khách hàng, thị trường mục tiêu, thể hiện giá trị cốt lõi, điểm đặc trưng, khác biệt của ngành thực phẩm Việt Nam.

Trong thời gian tới, Chương trình sẽ thực hiện các chiến dịch truyền thông, quảng bá hình ảnh ngành hàng thực phẩm Việt Nam, các phân ngành thực phẩm thông qua các kênh truyền thông, các sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài nước với mục đích thúc đẩy ngành thực phẩm Việt Nam phát triển hiệu quả, bền vững.

Linh Trần (Công Thương)