Xây dựng thương hiệu: "Chìa khóa" xuất khẩu nông sản – tigifood
Giỏ hàng

Xây dựng thương hiệu: "Chìa khóa" xuất khẩu nông sản

Với lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng và thiên nhiên phong phú, Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển các mặt nông sản, thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên, tốt cho sức khỏe. Tận dụng cơ hội trên, nhiều doanh nghiệp trẻ với tinh thần khởi nghiệp đang tích cực xây dựng thương hiệu, đưa nông sản Việt vươn ra toàn cầu.    

Tiềm năng lớn

Thực phẩm là một trong những ngành hàng có tiềm năng của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng vào thúc đẩy xuất khẩu (XK), tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Kim ngạch XK nông sản, thực phẩm thường chiếm tỷ lệ cao trong tổng XK những năm qua. Năm 2018, tổng kim ngạch XK toàn ngành nông-lâm-thủy sản đạt trên 40 tỷ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước, chiếm khoảng 17% trong tổng kim ngạch XK của Việt Nam và hiện nằm trong nhóm 15 nước XK nông sản hàng đầu thế giới. Nhiều mặt hàng thực phẩm của Việt Nam giành vị trí cao trong thị phần XK thế giới, như: Gạo, hạt điều, hạt tiêu, cà phê, thủy sản...

xay dung thuong hieu chia khoa xuat khau nong san

Hội nghị qQuốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam (Vietnam Food Forum) - một trong những hoạt động của Chương trình Thương hiệu thực phẩm Việt Nam

Trên thị trường quốc tế, Việt Nam đang đẩy mạnh XK các mặt hàng có thế mạnh và lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, người tiêu dùng (NTD) nước ngoài vẫn chưa có nhiều khái niệm về hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam, vì phần lớn các mặt hàng này vẫn đang XK thông qua trung gian, dưới dạng thô, hoặc gia công cho các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài. Hơn nữa, Việt Nam phải đối mặt với nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra, như chất lượng sản phẩm XK của một số mặt hàng nông sản còn chưa đồng đều, chủng loại còn đơn điệu; năng lực cạnh tranh vẫn chưa được cải thiện nhiều, giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cao… dẫn đến XK chưa bền vững. Cơ cấu XK chuyển dịch theo hướng tăng hàm lượng công nghiệp chế biến và giảm tỷ trọng nguyên liệu thô chưa rõ rệt. Giá trị gia tăng trong tổng cơ cấu giá trị hàng hóa còn thấp mà nguyên nhân yếu kém về thương hiệu vẫn chưa dễ khắc phục. Những vấn đề này đang vượt quá khả năng giải quyết của một doanh nghiệp (DN), một ngành hay địa phương riêng lẻ. 

Những năm gần đây, ngành thực phẩm Việt Nam có bước chuyển biến tích cực. Chính phủ, DN và người sản xuất dành sự quan tâm nhiều hơn đến thực hành nông nghiệp tốt, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm... Nhiều DN tập trung nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm mới, áp dụng các chiến lược tiếp cận thị trường bài bản. Thay vì chỉ cung cấp các nguyên liệu thô, hiện nhiều DN đã từng bước đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để sản xuất các mặt hàng có chất lượng, có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Song, NTD nước ngoài không biết đến việc đó. Còn đối với thương nhân nước ngoài, Việt Nam chỉ được coi là địa chỉ hấp dẫn để tìm nguồn cung giá rẻ chứ không phải chất lượng tốt.

xay dung thuong hieu chia khoa xuat khau nong san

Quảng bá thương hiệu thực phẩm Việt Nam (Foods of Vietnam) tại các sự kiện xúc tiến thương mại quốc tế

Xây dựng thương hiệu - yêu cầu cấp bách

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đang dành sự quan tâm đặc biệt tới việc xây dựng và phát triển thương hiệu ngành nông sản, thực phẩm. Năm 2016, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, hiệp hội ngành hàng liên quan và DN triển khai Chương trình Thương hiệu thực phẩm Việt Nam. Đây là một cấu phần của Chương trình Thương hiệu quốc gia, theo định hướng xây dựng và phát triển thương hiệu các ngành hàng có thế mạnh XK và khả năng cạnh tranh. Theo đó, tập trung đề cao các giá trị liên quan trực tiếp tới ngành thực phẩm Việt Nam. Tổ chức Hỗ trợ nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan (CBI) thuộc Bộ Ngoại giao Hà Lan đã tích cực phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương Việt Nam) triển khai các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật. 

Mục tiêu của Chương trình nhằm: Xây dựng, quảng bá hình ảnh ngành thực phẩm Việt Nam, tăng cường nhận thức và công nhận ở quy mô quốc tế về giá trị của thực phẩm Việt Nam; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ vị trí một cường quốc về thực phẩm và nguyên liệu thực phẩm; hỗ trợ một thế hệ mới các DN sản xuất, kinh doanh dựa trên các tiêu chuẩn cao về chất lượng sản phẩm và đạo đức xã hội; giúp Việt Nam trở thành một trung tâm kinh doanh tầm cỡ khu vực về ngành thực phẩm.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong thời đại bùng nổ thông tin đa chiều, chiến lược cạnh tranh bằng thương hiệu đang diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng, không chỉ dừng lại ở cấp độ DN mà đã phát triển lên mức độ địa phương, ngành hàng và cấp quốc gia. Do đó, việc xây dựng thương hiệu chung cho ngành thực phẩm Việt Nam là một yêu cầu quan trọng và cấp bách, thúc đẩy XK nông sản bền vững.

Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đang xây dựng Đề án Phát triển thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030. Đề án sẽ là cơ sở thúc đẩy ngành thực phẩm trong nước phát triển hiệu quả, bền vững.

 

 

 

Linh Trần (Công Thương)