Xuất khẩu bền vững hàng hoá thương hiệu Việt
TMĐT xuyên biên giới dần trở thành kênh xuất khẩu hàng hoá mang thương hiệu Việt quan trọng. Tại Hội thảo “Xuất khẩu thông qua TMĐT: Cơ hội cùng Amazon”, do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức ngày 3/3, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã đưa ra con số khá tích cực về tốc độ tăng trưởng của TMĐT tại Việt Nam. Từ năm 2015 tới nay, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam đã tăng từ 4 tỷ USD lên tới 7,8 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 30%/năm, dự đoán năm 2020 sẽ đạt mức 13 tỷ USD. Hiện 32% doanh nghiệp Việt Nam đã thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài thông qua các kênh trực tuyến.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại: Thương mại điện tử là kênh xuất khẩu quan trọng đưa hàng hoá thương hiệu Việt ra thị trường thế giới |
Ông Vũ Bá Phú cũng cho biết, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu thông qua TMĐT, ngày 4/12/2019, Bộ Công Thương đã ký Thỏa thuận hợp tác với Amazon Global Selling (Amazon), triển khai các hoạt động tư vấn, tổ chức sự kiện, đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp trong phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao giá trị hàng hóa, sản phẩm để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong thời đại công nghiệp 4.0.
Amazon là một trong những kênh TMĐT uy tín trên phạm vi toàn cầu. Xuất khẩu hàng hoá thành công thông qua Amazon, các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm đúng với nhu cầu thị trường, hướng đến mở rộng quy mô kinh doanh, nâng cao nhận thức về phát triển sản phẩm và xây dựng hình ảnh cho sản phẩm và doanh nghiệp.
Ông Trần Xuân Thuỷ - Giám đốc Amazon tại Việt Nam: Tiếp cận Amazon doanh nghiệp nên xây dựng chiến lược thương hiệu dài hạn |
Điều quan trọng, theo ông Trần Xuân Thuỷ - Giám đốc Amazon Việt Nam, so với kênh thương mại truyền thống, TMĐT có rất nhiều lợi ích khi dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng trên toàn cầu, hàng hoá Việt Nam có thể đi khắp thế giới mà doanh nghiệp trong nước không cần phải xây dựng hệ thống phân phối, kho bãi tại các thị trường đó. Bên cạnh đó, Amazon không chỉ giúp doanh nghiệp xây dựng, quảng bá sản phẩm mang thương hiệu Việt mà còn có đầy đủ công cụ giúp bảo vệ thương hiệu đã được đăng ký. “Do vậy, để tận dụng được lợi ích lớn này, khi bắt đầu tiếp cận Amazon doanh nghiệp nên có chiến lược bán hàng và chiến lược thương hiệu dài hạn”, ông Thuỷ nhấn mạnh.
Mặc dù TMĐT cũng như bán hàng qua Amazon là phương thức xuất khẩu dễ tiếp cận, tuy vậy đây vẫn là phương thức kinh doanh mới đòi hỏi phải có sự đầu tư thích đáng về nhân lực, thời gian và điều tối quan trọng là hàng hoá phải đáp ứng đầy đủ các quy định, trong đó có chứng nhận xuất khẩu hàng hoá sang các thị trường cụ thể.
Năm 2020, Bộ Công Thương và Amazon sẽ tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp về kỹ thuật bán hàng trên Amazon |
Được biết từ năm 2019, ngay sau khi ký Thoả thuận hợp tác với Amazon nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá qua TMĐT, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động tích cực. Sang năm 2020, các đơn vị liên quan sẽ tập trung hướng dẫn doanh nghiệp các thông tin cơ bản khi tham gia kinh doanh thông qua Amazon; triển khai 6 khoá đào tạo và tư vấn trực tuyến. Các khoá huấn luyện sẽ tập trung vào hướng dẫn đăng ký tài khoản, hướng dẫn các quy định và chứng từ về chất lượng sản phẩm, đăng ký thương hiệu tại Mỹ, đăng tải và tối ưu hoá sản phẩm, đóng gói vận chuyển, quảng cáo… Thời gian của các khoá học trực tuyến bắt đầu từ ngày 6/3 – 21/4/2020.
"Bộ Công Thương luôn sẵn sàng phối hợp với các Bộ, ban, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp liên quan tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng thành công trên Amazon, hướng tới tương lai phát triển kinh tế bền vững thông qua xúc tiến xuất khẩu trên nền tảng TMĐT xuyên biên giới”, ông Vũ Bá Phú khẳng định.