Xuất khẩu gạo sang Philippines tăng đột biến
27/08/19
Xuất khẩu gạo Việt Nam sang Philippines tăng đột biến do quốc gia này thay đổi cơ chế mua bán. Trong ảnh là nông dân Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch lúa. Ảnh: Trung Chánh
Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 7-2019, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt gần 598.620 tấn với trị giá đạt 261,68 triệu đô la Mỹ, giảm 0,1% về lượng và 1,4% về kim ngạch so với tháng trước đó. Giá xuất khẩu gạo bình quân của tháng 7-2019 đạt 437,1 đô la/tấn, giảm 1,3% so với tháng trước đó và giảm 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo đạt 3,95 triệu tấn gạo với trị giá xuất khẩu đạt 1,71 tỉ đô la, tăng 0,7% về lượng, nhưng giảm 14% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái; giá xuất khẩu trung bình đạt 432,5 đô la/tấn, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xét về thị trường, Philippines là quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2019 và có sự tăng đột biến về số lượng so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, Philippines là thị trường nhập khẩu chiếm đến 37% tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2019, với 1,46 triệu tấn và gần 590 triệu đô la, tăng 218,8% về lượng và 171,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu bình quân đạt 402,9 đô la/tấn, giảm 14,9% so với 7 tháng đầu năm 2018.
Với mức tăng gần 220% về lượng, Philippines không những trở thành thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, mà còn là thị trường có sự tăng đột biến.
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Công ty lương thực Vạn Lợi cho biết, lý do chính khiến xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường Philippines tăng đột biến là do quốc gia này thay đổi cơ chế nhập khẩu, trong khi đó, Việt Nam vốn là thị trường truyền thống từ trước.
Theo đó, vào ngày 15-2-2019, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ký ban hành Đạo luật số 11203 (Luật tự do hóa nhập khẩu, xuất khẩu và thương mại mặt hàng gạo nhằm dỡ bỏ cơ chế hạn ngạch đối với việc nhập khẩu mặt hàng gạo và thực hiện những mục đích khác) chuyển đổi cơ chế nhập khẩu gạo từ áp dụng hạn ngạch sang cơ chế thuế hóa.
Cụ thể, Đạo luật 11203 xóa bỏ hoàn toàn quy định về hạn ngạch nhập khẩu đối với mặt hàng gạo và thay vào đó áp dụng thuế nhập khẩu 35% từ các quốc gia khối ASEAN, trong đó, có Việt Nam. Đây là mức thuế có ưu thế hơn rất nhiều so với mức thuế được Philippines áp dụng cho các quốc gia ngoài ASEAN và là thành viên WTO, lên đến 180%.
Chính yếu tố nêu trên, theo ông Phong, là lý do khiến xuất khẩu gạo Việt Nam sang Philippines tăng đột biến, nhưng việc áp thuế đã khiến giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam vào quốc gia này giảm đến gần 15% như đã nêu ở trên.
Trung Chánh (thesaigontimes)