Xuất khẩu gạo sẽ 'rộng cửa' vào thị trường EU – tigifood
Giỏ hàng

Xuất khẩu gạo sẽ 'rộng cửa' vào thị trường EU

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được nhận định sẽ mở ra “cánh cửa” thênh thang cho gạo Việt vào thị trường EU, thông qua đó giúp tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường nhiều tiềm năng này.

gao

Cần tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm gạo xuất khẩu thông qua việc nâng cao chất lượng, hình ảnh, thương hiệu, uy tín…

Cơ hội phục hồi xuất khẩu gạo trong năm 2020

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến ngày 15/2/2020, nước ta đã xuất khẩu được gần 653,4 nghìn tấn gạo, với tổng giá trị đạt gần 303,2 triệu USD, tăng 32,98% về khối lượng và tăng 39,77% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Ước khối lượng gạo xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2020 đạt 890.700 tấn, với tổng trị giá đạt hơn 409,7 triệu USD.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho hay, nếu như trong năm 2019 xuất khẩu gạo gặp rất nhiều khó khăn, suy giảm mạnh cả về lượng và giá xuất khẩu thì ngay từ đầu năm 2020, giá gạo xuất khẩu có xu hướng tăng cao. Điển hình gạo IR 50404 loại 5% tấm tăng từ 30 - 40 USD/tấn, đạt 380 USD/tấn, cao nhất từ tháng 12/2018 đến nay. 

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, năm 2020, bức tranh xuất khẩu gạo nước ta sẽ khởi sắc với nhiều cơ hội lớn. Trong đó không thể không kể đến cơ hội đa dạng hóa thị trường, gia tăng thị phần tại EU thông qua Hiệp định EVFTA. 

Về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, theo EVFTA, bên cạnh thuế nhập khẩu, Việt Nam và EU sẽ áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với một số ít mặt hàng có xuất xứ từ bên kia, trong đó có nhiều hàng hóa là thế mạnh của Việt Nam. Điển hình, một số loại gạo được áp hạn ngạch là 40.000 tấn, sẽ được miễn thuế nhập khẩu. Rõ ràng đây là cơ hội vàng cho xuất khẩu gạo bởi xưa nay nhiều mặt hàng gạo xuất sang thị trường EU phải chịu thuế nhập khẩu từ 5% - 45%, thậm chí một số nước trong khối áp mức thuế lên tới 100%. Trong khi đó, đối thủ của chúng ta là Campuchia được miễn thuế nhập khẩu gạo vào EU nên năng lực cạnh tranh về giá cả của gạo Việt không cao.  Do vậy, khi EVFTA có hiệu lực, thuế suất bằng 0%, nếu Việt Nam tận dụng tốt xuất khẩu được hết hạn ngạch 80.000 tấn mà EU cấp thì kim ngạch xuất khẩu sẽ gia tăng mạnh.

Chưa hết, trong khuôn khổ tham vấn song phương với Hàn Quốc về việc Hàn Quốc đánh thuế hóa mặt hàng gạo trong khuôn khổ WTO, Việt Nam đã ký kết với Hàn Quốc 2 văn bản là Thỏa thuận nhiều bên giữa Hàn Quốc và 5 đối tác WTO, bao gồm Australia, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam, về việc phân bổ hạn ngạch thuế quan; Thư trao đổi song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc về phân bổ hạn ngạch thuế quan. Theo đó, từ ngày 1/1/2020, bên cạnh việc phân bổ 20.000 tấn gạo cho tất cả thành viên WTO, Hàn Quốc sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch riêng là 55.112 tấn gạo. 

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) nhận định, EU vốn là thị trường khó tính với nhiều yêu cầu khắt khe, tiêu chuẩn cao về hàng hóa nhập khẩu bậc nhất thế giới. Do đó, khi sản phẩm gạo Việt vào được thị trường cao cấp này sẽ giúp nâng cao vị thế, năng lực cạnh tranh, quảng bá thương hiệu, uy tín sẽ dễ dàng đến với các thị trường khác trên thế giới hơn khi vào được nhiều thị trường khác. 

Ngoài ra, có một số ý kiến lo lắng rằng diễn biến Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2020. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhiều năm qua, số lượng xuất khẩu gạo vào Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 7% lượng gạo xuất khẩu (tương đương khoảng 400.000 tấn) nên về cơ bản sẽ không có ảnh hưởng nhiều. 

Đầu tư nâng cao chất lượng gạo Việt

Theo các chuyên gia, để tận dụng những cơ hội to lớn đến từ EVFTA thì cần tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm gạo xuất khẩu thông qua việc nâng cao chất lượng, hình ảnh, thương hiệu, uy tín…

Thực tế cho thấy, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam chiếm khoảng 15% thị trường thế giới nhưng lại không có thương hiệu gạo nổi bật nên không thu được giá trị gia tăng nhờ thương hiệu. Do đó, doanh nghiệp, nhà sản xuất cần nghiên cứu đầu tư sâu giống mới cũng như sản xuất mặt hàng có chất lượng cao, có lợi nhuận cao thay vì trồng các loại gạo trắng bình thường có giá trị thấp. Đồng thời, cần có chiến lược, kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu cho các danh hiệu gạo ngon nhất thế giới, ví như gạo ST24, ST25… để giới thiệu, quảng bá và xuất khẩu với giá cao sang EU. 

Bên cạnh đó, nhà sản xuất phải hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để giữ chất lượng gạo và phải xây dựng được chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ đạt tiêu chuẩn quốc tế GlobalG.A.P.

Cùng với đó, nước ta cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất lúa gạo theo hướng lấy tín hiệu thị trường để định hướng quy hoạch và tổ chức sản xuất, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

Đặc biệt, nước ta cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến, bảo quản và đóng gói sản phẩm gạo, nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm; cơ giới hóa trong sản xuất và chế biến, xóa sổ các phương thức làm thủ công, lỗi thời đã gây ra lãng phí, hao hụt, ảnh hưởng đến chất lượng lúa gạo. 

Đáng lưu ý, EU có quy định về hàng rào kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc, quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm… rất khắt khe nên hàng hóa phải bảo đảm tiêu chuẩn, tránh vi phạm, bị trả hàng về bởi nếu xảy ra điều này sẽ bị tạm ngưng nhập khẩu, cả ngành hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng tiêu cực. Sản phẩm gạo cũng sẽ không nằm ngoài quy luật đó.  Mặt khác, theo các doanh nghiệp, nhà nước cần có nhiều giải pháp hữu hiệu để quản lý chặt chẽ thị trường gạo, đẩy lùi tình trạng tranh mua, tranh bán, phá giá, thông qua đó tạo uy tín đối với nhà nhập khẩu.

Được biết, từ khi thực thi Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, Bộ Công thương đã cấp thêm 47 giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, nâng con số thương nhân xuất khẩu gạo lên 182 thương nhân.

Tố Uyên (Theo Thời báo Tài chính Việt Nam)