Xuất khẩu gạo tăng trưởng bứt phá giữa khó khăn Covid-19
05/03/20
Trong khi xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản tỷ USD lao đao vì tác động của dịch Covid-19 thì xuất khẩu gạo của Việt Nam lại theo chiều ngược lại, tăng trưởng bứt phá cả về lượng lẫn giá trị.
Tăng vọt cả lượng và giá trị
Theo thống kê mới nhất của Bộ NN&PTNT, xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm đạt 890.000 tấn và giá trị xuất khẩu đạt 420 triệu USD, lần lượt tăng 27% về lượng và tăng tới 32,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, giá gạo 5% tấm tại Việt Nam tăng lên 380 USD/tấn, mức cao kỷ lục kể từ tháng 12/2018.
Trên thực tế, 2 tháng đầu năm, dịch Covid-19 đã khiến kim ngạch xuất khẩu của không ít mặt hàng nông sản tỷ USD như cá tra, hạt điều, cao su, rau quả... giảm mạnh.
Nhìn nhận về câu chuyện "ngược dòng" của xuất khẩu gạo, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) phân tích: Ngay từ tháng 9, 10/2019, ngành chức năng đã dự báo, hạn mặn trong vụ Đông Xuân sẽ gay gắt, thậm chí còn khốc liệt hơn đợt hạn mặn năm 2015 – 2016.
Ngành trồng trọt chủ động yêu cầu các địa phương xuống giống sớm và cắt bỏ xuống giống những diện tích trồng lúa có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính vì vậy, vụ lúa Đông Xuân năm nay có thay đổi lớn là sản lượng lúa cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước được cung ứng sớm hơn trung bình hàng năm từ 20 ngày đến 1 tháng.
Khi xác định sẽ xuống giống sớm, cơ quan chức năng cũng chủ động thông báo với Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các doanh nghiệp là thời điểm tết Nguyên đán sẽ có gạo tung ra thị trường, sớm hơn mọi năm để doanh nghiệp chủ động tìm kiếm các đơn hàng.
"Sản lượng cung ứng kịp thời, gặp đúng lúc nhu cầu tăng cao tại nhiều thị trường nên xuất khẩu lúa gạo sôi động ngay từ những tháng đầu năm, kéo giá lúa Đông Xuân tại thị trường trong nước tăng cao dù không ít mặt hàng khác bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19", ông Tùng nói.
Khả quan xuất khẩu 6,7 triệu tấn
Xung quanh câu chuyện xuất khẩu gạo, theo chuyên gia nông nghiệp Võ Tòng Xuân: Ngành nông nghiệp nói chung và gạo nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Thời tiết thuận lợi sản lượng sẽ tăng và ngược lại.
Hiện nay, Thái Lan - nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới đang chịu thiệt hại lớn do hạn mặn. Sản lượng gạo của nước này giảm gần 2 triệu tấn. Việt Nam bị hạn mặn song diện tích nhỏ chỉ khoảng 28.000 ha lúa bị ảnh hưởng. Bởi vậy, Việt Nam có nguồn cung gạo khá dồi dào. Đó là chưa kể, 2 vụ trước Việt Nam đều trúng mùa, sản lượng tăng mạnh.
Ở thị trường nhập khẩu, Philippines, Indonesia đang thiếu gạo và phải nhập khẩu khối lượng rất lớn từ Việt Nam.
"Bức tranh" xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2020 được dự báo tốt, tăng cả lượng và giá. "Tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, lây lan nhanh trên thế giới, nhu cầu dự trữ gạo tại các nước, đặc biệt là Trung Quốc sẽ tăng lên. Do đó, gạo Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu", ông Xuân nhấn mạnh.
Về vấn đề này, ông Lê Thanh Tùng thông tin thêm, vụ lúa Đông Xuân đảm bảo đủ sản lượng cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Trong tháng 4 tới, các địa phương tiếp tục xuống giống vụ Hè Thu nên chắc chắn sản lượng gạo xuất khẩu 6 tháng đầu năm sẽ đủ cung ứng cho thị trường.
"Năm nay, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 6,7 triệu tấn gạo. Với những tín hiệu ấm ngay từ đầu năm, tôi tin mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được và ngành sản xuất lúa sẽ cung ứng đủ lượng gạo thị trường cần", ông Tùng nói.
2 tháng đầu năm tại thị trường trong nước, giá lúa gạo cũng có chiều hướng tăng. Hiện các doanh nghiệp trong vùng ĐBSCL mua lúa ướt tại ruộng với giá dao động 4.400-5.400 đồng/kg, cao hơn đầu vụ 300-500 đồng/kg; chỉ có giống lúa IR50404 tiêu thụ thị trường nội địa là giá thấp, khoảng 4.400 đồng/kg. Trong đó, giá lúa hạt dài cao hơn lúa thường 300-800 đồng/kg.
Giá lúa thu mua tại kho của doanh nghiệp 5.400-6.400 đồng/kg, cao hơn mức bán lúa tươi tại ruộng của nông dân bình quân 1.000 đồng/kg. Nhiều thương lái, doanh nghiệp đã đến tận ruộng của nông dân đặt cọc và ký hợp đồng bao tiêu lúa dài với giá 5.000-5.200 đồng/kg.
Nguồn: Haiquanonline.com.vn